Đánh cược mạng sống để đến “miền đất hứa” (Bài 1: Trở về từ cõi chết!)

Thứ ba, 29/10/2019 12:30

Bất kể là ai, là nam thanh, là nữ tú, là lao động tự do, là người có công ăn việc làm ổn định... họ không quá nghèo đến mức thiếu cái ăn, cái mặc, nhưng chính “giấc mộng” làm giàu đã thôi thúc họ vượt biển cả sang “trời Tây”. Để đến được “miền đất hứa”, ngoài bỏ một số tiền rất lớn cho “đường dây”, họ phải đánh cược cả tính mạng của mình vào canh bạc làm giàu.

Anh Đ.T (áo sáng) kể về quá trình sang “miền đất hứa” bất thành.

Ảo ảnh “thiên đường”

Năn nỉ mãi tôi mới thuyết phục được anh Đ.T (45 tuổi, trú TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) mở lời về hành trình sang “miền đất hứa” đầy chông gai và suýt bỏ mạng nơi xứ người. “Tôi không muốn nhớ tới những tháng ngày cực khổ đó nữa. Giờ có cho trăm tỷ tôi cũng không đi theo con đường đã đi trước đây”, anh Đ.T chua xót nói.

Sau nhiều năm bị trục xuất về nước, anh Đ.T vẫn chưa hết kinh hoàng khi nhắc lại hành trình vượt biên từ Nga sang Đức và từ Pháp sang Anh. Anh T. kể, năm 2003, do muốn vợ con có cuộc sống sung túc hơn, anh bỏ ra 5.500USD để nhờ “đường dây” đưa sang Đức kiếm tiền. Với “chiếc vé” visa du lịch sang Nga, “đường dây” sẽ tiếp tục đưa anh sang Đức. Đây là quãng đường có thể nói là “dài bất tận” trong tâm trí của anh. Mất hơn 8 tháng đi bộ, “đường dây” mới đưa anh sang tới Đức. Hành trình này, theo anh Đ.T như “địa ngục trần gian”.

Để sang được Đức, các lao động phải đi bộ cắt rừng vào ban đêm từ Nga sang Ukraine rồi vượt qua Ba Lan. Căn cứ vào tình hình an ninh nơi sở tại, người lao động được đưa đi theo từng nhóm nhỏ 5 - 7 người. “Trước khi đi họ sẽ báo hiệu là đêm nào đi. Quá trình di chuyển đều hoàn toàn vào ban đêm và lịch trình thay đổi liên tục. Người đi không biết mình đang ở đâu, đi tới đâu. Lúc đi luôn có 1 người đi ngựa phía trước dẫn đường, 1 người đi ngựa phía sau chốt đoàn. Những ai sức khỏe yếu, đi bộ không kịp sẽ bị người đi ngựa phía sau dùng roi quất ngựa đánh đập thậm tệ”, anh Đ.T nhớ lại.

Di chuyển từng chặng một, hết một chặng lại bị nhốt vào “kho”. “Sau mỗi chặng đi, chúng tôi lại bị nhốt vào trong “kho” và bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Sau đó, người dẫn đường lại tiếp tục căn cứ vào tình hình an ninh sở tại để quyết định nằm chờ hay tiếp tục đi. Có khi công an sở tại làm căng, đoàn phải nằm chờ cả mấy chục ngày mới đi tiếp”, anh Đ.T kể.

Sau khi vượt qua được Ukraine, anh tiếp tục di chuyển sang Ba Lan. Biên giới giữa Ukraine và Ba Lan là 1 con sông rộng khoảng 50- 60m, điểm sâu nhất là 16- 17m. Một hôm các lao động đang ở trong “kho” thì nhận được lệnh tối nay “vượt sông”. Cả ngày hôm đó cho đến đêm ai nấy cứ thấp thỏm, hồi hộp không thể nào chợp mắt bởi trong quá trình vượt biên, chỉ cần một sơ sót là có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Để vượt sông không thể đi thuyền hay bơi qua bởi luôn có sự kiểm tra, giám sát của giới chức trách nước sở tại. Người ta nghĩ ra cách bỏ anh vào trong 1 túi ni-lông rồi cho thợ lặn mang bình oxy lặn dưới đáy kéo sang sông. Tuy nhiên, khi vừa sang đến bờ sông của Ba Lan thì cảnh sát đã chờ sẵn và ập vào bắt giữ.

Cũng theo anh Đ.T, anh còn may mắn khi sang đến bờ bên kia mới bị cảnh sát bắt giữ. Có trường hợp lúc đến giữa sông thì bị cảnh sát phát hiện, thợ lặn bỏ lại “túi người” chạy trốn thì người lao động chỉ có nước chết. Cũng trong hành trình từ Ukraine đi Ba Lan, có những đoạn đường anh được đi ô-tô, nhưng chiếc xe 5 chỗ ngồi thì bị nhồi nhét đến 16 người. Có lần, chiếc xe 12 chỗ ngồi được chế 2 lớp trần, đó là một “căn hầm” bí mật, cao chỉ 30cm, đủ nhét 5 người vào đó nằm bất động mười mấy tiếng đồng hồ.

“Chú cứ tưởng tượng 5 người bị nhét nằm bất động trong 1 cái hộp chật hẹp, tối om và trao đổi với không khí bên ngoài qua mấy cái lỗ bé tí. Ngứa hay mỏi cũng không thể gãi, trở hay lật được; thậm chí có người bí quá nhưng không biết làm sao đành phải đi vệ sinh ngay tại chỗ nằm”- anh Đ.T nói. Đã vậy, sau khi bị cảnh sát bắt giữ và trong quá trình ngồi tù, các lao động thường xuyên bị cai tù đánh đập, hành hạ dã man.

Hồi hương sau 2 lần đánh cược mạng sống

Sau chuyến “hành quân” không thành, anh Đ.T bị trục xuất trở lại Ukraine và được “đường dây” chuộc lại, đưa đi bằng con đường từ Nga sang CH Czech rồi mới đến Đức. Làm việc ở Đức đến năm 2006, sau khi lăn lộn kiếm tiền đủ để trả hết nợ ở quê nhà và dành được một số vốn kha khá, anh Đ.T quyết định “nhảy” sang một chân trời mới.  Theo anh Đ.T, hành trình vượt biên từ Nga sang Đức gian khổ, nguy hiểm là thế thì hành trình từ Đức sang Anh lại càng nguy hiểm hơn.

Để sang Anh, anh và 1 người bạn cùng quê phải đặt chân đến những bãi xe hàng ở thành phố cảng Calais (Pháp)- đầu bên này của đường hầm xuyên qua eo biển Manche, nối liền Anh- Pháp. Từ đây, đoạn cam go nhất của cuộc hành trình sinh tử bắt đầu...

Tại bến cảng Calais, anh Đ.T và bạn được 2 đối tượng nhận lời dẫn đi. “Tuy nhiên, sau một đoạn đường rừng tôi phát hiện 2 đối tượng dẫn đường có thể là cướp nên ra dấu hiệu với người đi cùng. Chờ lúc 2 đối tượng đó không để ý, tôi hét lên rồi 2 anh em bỏ chạy, nhưng tôi bị bắt lại. Hai tên cướp gí súng vào đầu tôi và đòi bóp cò. Tôi quỳ xuống van xin và đưa toàn bộ tiền, điện thoại và tài sản trên người cho chúng, nhưng vẫn bị chúng dùng báng súng đánh đập dã man. Đến khi tôi giả ngất, bọn chúng mới bỏ đi”, anh Đ.T kể.

Chuyến đi bất thành này, người bạn nghĩ anh Đ.T không thể thoát được nên đã báo về với gia đình rằng anh đã bị bọn cướp bắn chết, báo hại gia đình vợ con anh ở quê nhà được một phen hú vía.

Theo anh Đ.T, tại cảng Calais có 2 cách để vượt eo biển Manche để sang Anh. Cách “vip” là thuê người dẫn đi bằng cách họ sẽ soi hàng hóa trong container nào đi Anh rồi khi đêm đến sẽ mở container cho mình chui vào. Còn cách “cỏ” là tự mình chạy theo các xe tải phủ bạt, nhảy lên xe rồi chui vào bên trong. Cách “vip” thì tốn kém hơn, nhưng lại khá an toàn; còn cách “cỏ” không tốn kém nhưng lại rất nguy hiểm và rất dễ nhầm xe có hàng đi sang nước khác.

“Mỗi người bỏ ra 8.000 USD, tôi và bạn được bố trí lên một chiếc xe thùng phủ bạt chở hàng điện tử. Chiếc xe này sẽ lên phà rời bến cảng Calais sang Anh. Trước khi được đẩy lên thùng xe, chúng tôi được cấp mỗi người một chiếc túi bóng lớn để chui vào trong khi phà đi qua khu vực có máy bắn tầm nhiệt của lực lượng hải quan nước bạn. Với hơn 36km đường biển, chúng tôi may mắn không bị phát hiện, chiếc xe chở hàng điện tử và chúng tôi trên đó đã sang đến nước Anh. Khi vào đến nước Anh, tôi dùng dao rạch bạt và đập vào thùng xe để báo hiệu cho tài xế dừng lại. Tuy nhiên, tài xế phát hiện có người nhập cư bất hợp pháp đã chở đến trụ sở cảnh sát để giao nộp.

Chúng tôi lại bị cảnh sát Anh bàn giao cho Đức và bị trục xuất về nước. Bây giờ sống sót yên lành bên gia đình, tôi nghĩ rằng nếu ai đó cho tôi cả trăm tỷ đồng để thực hiện lại chuyến vượt biên sang Anh tôi cũng từ chối”- anh Đ.T nói.        

(còn nữa)

XUÂN SƠN