Đánh thức tiềm năng vùng đất "khát"
Là vùng đất xa xôi nằm phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, H. Krông Pa có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng quanh năm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp; đặc biệt hạn hán, mất mùa liên tục xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế của người dân.
Nhà máy điện mặt trời Krông Pa. |
Để hạn chế tối đa thiệt hại về nông nghiệp và tiến tới khai thác tiềm năng sẵn có, Krông Pa đã định hướng ưu tiên thu hút các dự án điện năng lượng mặt trời, các nhà máy chế biến nông sản theo chuỗi giá trị. Điều này nhằm tận dụng những quỹ đất đồi, sỏi đá không thể canh tác nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên vùng đất khó khăn nhất tỉnh.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, Krông Pa có nhiệt độ trung bình hàng năm hơn 25 độ C, số giờ nắng trung bình trong ngày gần 6 giờ, tương đương với khoảng 2.500 giờ/năm. Đây là điều kiện rất thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án điện mặt trời trên địa bàn. Khai thác tiềm năng lợi thế này, tỉnh Gia Lai đã đồng ý cho quy hoạch và khảo sát 17 dự án và đến thời điểm này chính thức được Bộ Công Thương phê duyệt 3 dự án gồm Dự án nhà máy điện mặt trời Krông Pa do Công ty cổ phần Điện Gia Lai làm chủ đầu tư công suất 76 MW đã đi vào vận hành tháng 11-2018; Nhà máy điện năng lượng mặt trời Chư Ngọc - EVN LICOGI 16 công suất 15 MW vận hành giữa năm 2019 và 1 nhà máy đang triển khai thi công có công suất 49 MW của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Xây dựng năng lượng Thành Nguyên.
Ông Vũ Toàn Thắng - Trưởng phòng Tổng hợp, Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo LICOGI 16 Gia Lai cho biết: "Trong khoảng thời gian từ tháng 1-2019 đến tháng 6-2019, chúng tôi đã xây dựng xong nhà máy điện năng lượng mặt trời, đây là tiến độ rất tuyệt vời và quan trọng nhờ sự hỗ trợ tối đa của địa phương". Ông Thắng cũng cho biết thêm, tổng kết năm 2019, doanh thu của nhà máy đạt hơn 26 tỷ đồng; qua đó, thực hiện nghĩa vụ thuế cho địa phương số tiền gần 12 tỷ đồng. Nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 13 lao động địa phương vận hành nhà máy. Ngoài ra, các công việc phát sinh trong quá trình vận hành, tinh thần của nhà máy là ưu tiên cho người địa phương.
Krông Pa là địa phương vùng xa, khó khăn nhất tỉnh Gia Lai. Tính đến cuối năm 2019, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện hơn 3.000 hộ (chiếm tỷ lệ 15,5%), hộ cận nghèo gần 2.900 hộ (chiếm tỷ lệ 14,6%); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 91%.
Khắc phục khó khăn, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (2015-2020), Đảng bộ và chính quyền H. Krông Pa đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là thu hút đầu tư các lĩnh vực mà địa phương chiếm ưu thế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã thu hút được 6 dự án, gồm dự án nhà máy chế biến đá Granite, dự án nhà máy thủy điện Đắk Srông 3A, tổ hợp 4 nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Chế biến nông lâm sản-đường Vạn Phát và 3 nhà máy điện năng lượng mặt trời.
Ông Tô Văn Chánh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân H. Krông Pa, tỉnh Gia Lai chia sẻ, với những ưu thế sẵn có, địa phương và nhân dân rất đồng thuận với các dự án phát triển nguồn năng lượng điện sạch, điện tái tạo, nông nghiệp chế biến sâu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình phê duyệt dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng,... để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên địa bàn.
Với những nỗ lực của địa phương, tính đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào địa bàn đạt khoảng 3.500 tỷ đồng. Đây là nền tảng thuận lợi để cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch đúng hướng và về đích sớm so với Nghị quyết của Đảng bộ huyện.Theo đó, cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng vượt hơn 2% so với mục tiêu đề ra (đạt hơn 32%); thương mại-dịch vụ tăng từ 20% (năm 2015) lên 26%; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 46% năm 2015 xuống còn 40%; cơ cấu lao động nông thôn chuyển dần sang lĩnh vực thương mại-dịch vụ và công nghiệp, xây dựng góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.
Để nền kinh tế tiếp tục phát triển toàn diện, Krông Pa cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng cơ sở; trong đó ưu tiên phát triển giao thông nông thôn và đô thị để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển hàng hóa, thương mại, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn của Krông Pa đều đã được khép kín và thông thương thuận lợi trong toàn vùng. Cùng với đó, Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải cũng quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 25 qua địa bàn, đây là điều thuận lợi rất lớn cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian tới và nhiệm kỳ tiếp theo.
Nguyễn Hoài Nam