Đánh thức tuyến giao thương lịch sử

Thứ năm, 30/05/2019 11:49

Từng là một tuyến giao thương nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền” nối Cửa Hàn tới Cửa Đại, nhưng từ cuối thế kỷ XIX, sông Cổ Cò bị bồi đắp, đứt gãy, dần rơi vào quên lãng. Việc nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò hình thành lại tuyến giao thông đường thủy kết nối Đà Nẵng- Hội An có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển kinh tế của 2 địa phương.

Cầu An Nông, một trong những công trình hiện tại trên sông Cổ Cò.

Bằng nhiều động thái tích cực, sau hàng thế kỷ “ngủ quên” sông Cổ Cò đang được “đánh thức” với những chuyển động mạnh mẽ.

Trục không gian đô thị mới

Không chỉ phá vỡ “điểm nghẽn” liên kết du lịch giữa Đà Nẵng- Hội An bằng một sản phẩm độc đáo mà tuyến du lịch sông Cổ Cò còn “đánh thức” những vùng đất tiềm năng ven sông, tạo điểm nhấn hình thành một không gian đô thị mới. Nơi đây sẽ hấp thu áp lực xây dựng cho Hội An (để giữ là đô thị văn hóa, có bản sắc) đồng thời tạo động lực kinh tế cho Đà Nẵng, Điện Bàn. Bởi lẽ đó, trong định hướng, quy hoạch phát triển, cả 2 địa phương đều xem sông Cổ Cò như điểm nhấn, quyết tâm làm “sống dậy” dòng sông lịch sử này. Chẳng hạn trong quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc quy mô 2.700 ha được Thủ tướng phê duyệt năm 1999, sông Cổ Cò được định vị là điểm nhấn, là trục không gian chủ đạo của đô thị, với mặt nước, hành lang cây xanh, vùng cảnh quan...

Tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể 2.600ha không gian kiến trúc cảnh quan hai bên sông Cổ Cò từ Điện Bàn đến Hội An, trong đó khu vực phát triển du lịch chiếm gần 1.200ha, các khu đô thị mới 433,5ha, các khu vực cây xanh trung tâm hơn 205ha... Hiện nay đã có hàng loạt khu đô thị mới được xây dựng dọc sông Cổ Cò, lấy dòng sông làm mặt tiền. Để sông Cổ Cò thực sự là tuyến du lịch thủy đẳng cấp sẽ phải trải qua nhiều công đoạn như nạo vét khơi thông dòng chảy, xây dựng hệ thống kè đồng bộ đôi bờ, xây dựng các bến tàu, các cây cầu bắc qua sông, hệ thống cây xanh cảnh quan ven sông... Từng bước một, các công đoạn này đang được triển khai, dòng sông đang chuyển động để “thức giấc”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết, dự án khơi thông sông Cổ Cò qua địa bàn Đà Nẵng khoảng 8km, hồ sơ báo cáo chủ trương đầu tư đã được HĐND TP thông qua. Theo kế hoạch năm 2019 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, năm 2020 triển khai đầu tư dự án. Cụ thể dự án có tổng mức đầu tư hơn 486 tỷ đồng, trong đó 245 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách T.Ư từ chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh còn lại vốn đối ứng của TP. Trong 3 hạng mục cơ bản của dự án thì hiện nay phần nạo vét, khơi thông cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn khoảng 150 ngàn m3 nữa là tới địa phận ranh giới Quảng Nam. Hạng mục kế tiếp là đầu tư bờ kè quy chuẩn dọc 2 bên bờ sông hiện đang triển khai. Cụ thể TP sẽ đầu tư khoảng 3,4 km tại các khu vực dân cư, công trình công cộng còn lại khoảng 8km qua các dự án như FPT, Phú Mỹ An... thì các chủ đầu tư sẽ xây kè theo thiết kế quy chuẩn cho đồng bộ. Hạng mục cuối cùng liên quan tới 3 cây cầu bắc qua sông Cổ Cò hiện nay và một cây cầu đang làm thủ tục xây dựng nối với đường Bùi Quý Huân.

Ông Tuấn cho biết, 2 địa phương đã thống nhất phương án tiêu chuẩn các hạng mục của tuyến sông Cổ Cò sau khi nạo vét khơi thông là sông cấp IV, rộng 90m, đáy luồng 40m, chiều rộng của các cầu tối thiểu 30m, chiều cao cầu 5m. Với phương án này, cầu Biện (đường Lê Văn Hiến) cần điều chỉnh mở rộng ra 30m (hiện hơn 20m) và nâng cao lên 5m. Khi nâng cầu có thể ảnh hưởng tới một số hộ dân 2 bên vì thế việc điều chỉnh cầu Biện đang được nghiên cứu phương án phù hợp. Ngoài ra cầu Minh Mạng thiếu vài cm, cầu An Nông thiếu hơn 10cm mới đạt chiều cao 5m nhưng không ảnh hưởng nhiều, không cần chỉnh sửa. “Thực tế tuyến này chủ yếu tàu du lịch, chở khách vì thế sau này các tàu du lịch cũng phải được thiết kế theo quy chuẩn, kích thước phù hợp mới có thể tham gia lưu thông trên tuyến” - ông Tuấn chia sẻ.

Xây mới 5 cầu qua sông Cổ Cò

Ngoài 3 hạng mục cơ bản trên, dự án khơi thông sông Cổ Cò qua địa bàn Đà Nẵng còn đầu tư 5 bến tàu đón trả khách, neo đậu tàu thuyền. Các tàu này chủ yếu phục vụ du lịch, chuyên chở hành khách, tải trọng từ 51-100 tấn. 5 bến tàu được bố trí tại khu vực bờ sông Đồng Nò, khu vực KĐT Hòa Quý, khu vực bờ sông phía Đông khu Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, khu phía Tây chân cầu Mai Đăng Chơn, khu vực bờ sông dự án Cocobay. Theo ông Tuấn, trong 5 bến tàu này hiện mới đề xuất vị trí, còn quy hoạch chi tiết xây dựng ra sao vẫn phải chờ. Bởi lẽ các bến thuyền này phải gắn với giao thông đường bộ, không gian cảnh quan cây xanh, hệ thống dịch vụ đi kèm...

Tại Quảng Nam, sông Cổ Cò dài trên 19km, hiện đã nạo vét 14 km, trong đó có 9,5 km qua địa bàn Hội An, chiều dài còn lại qua TX Điện Bàn. Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua địa bàn Quảng Nam được đầu tư 1.000 tỷ đồng, trong đó 340 tỷ đồng từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu của Trung ương. Ngoài việc nạo vét lòng sông rộng 90m cho đồng bộ với đoạn tuyến tại Đà Nẵng thì Quảng Nam cũng đầu tư hoàn thiện hạ tầng 2 bên bờ sông và 4 cây cầu nối hai bờ đông – tây của sông Cổ Cò.

Ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương xác định đây là công trình trọng điểm do đó tập trung quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, tới năm 2020 sẽ hoàn thiện công tác mặt bằng để thi công. Ông Đạt cũng cho biết, hiện địa phương đã giải tỏa, chi trả tiền đền bù gần 1km phần còn lại đang lập phương án, hồ sơ giải phóng mặt bằng, chủ yếu là đất nông nghiệp, hoa màu và một số hộ có đất ở. Cũng theo ông Đạt, với 4 cây cầu bắc qua sông Cổ Cò hiện tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt thiết kế, phương án mặt bằng. Ông Đạt đánh giá đây là dự án trọng điểm của cả Quảng Nam và Đà Nẵng, góp phần quyết định cho việc phát triển kinh tế của cả 2 địa phương.

Theo kế hoạch tới tháng 9-2020 sông Cổ Cò sẽ được thông tuyến, khớp nối giữa 2 địa phương. Từ đây, các hạng mục cảnh quan đôi bờ tiếp tục triển khai, hình thành tuyến du lịch, giao thương đường thủy đặc trưng nối cửa Hàn với Cửa Đại. Đây cũng là dự án liên kết vùng, có vai trò và ý nghĩa động lực trong phát triển kinh tế vùng đã được Bộ Chính trị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư tại Nghị quyết số 43.

HẢI QUỲNH