"Đảo chính" ở Paraguay

Thứ hai, 25/06/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Nhiều quốc gia Nam Mỹ ngày 24-6 chỉ trích mạnh mẽ việc Tổng thống Paraguay Ferrnando Lugo bị truất quyền trong một động thái được mô tả là hành động đảo chính.

Chỉ mới 8 ngày trước, chắc hẳn không ai có lý do gì để nghĩ đến viễn cảnh Tổng thống Lugo phải rời chiếc ghế quyền lực ông được quyền nắm giữ đến hết tháng 8-2013. Tuy nhiên, số phận dường như an bài khi tổng thống, vốn không được lòng các nhà lập pháp, bị cáo buộc trongvụ xung đột đất đai khiến ít nhất 17 người chết.

Ông Lugo bị luận tội. Và trong một quyết định quá nhanh chóng đến bất ngờ, Thượng viện Paraguay cuối cùng cách chức Tổng thống trong phiên xét xử bị nhiều nhóm chính trị xã hội trong nước và chính phủ các nước láng giềng Nam Mỹ đánh giá là một cuộc đảo chính do các nhóm cánh hữu tiến hành chống lại nền dân chủ tại Paraguay. Phiên tòa diễn ra chỉ một ngày sau khi Hạ viện Paraguay thông qua quyết định đưa tổng thống ra xét xử chính trị vì không hoàn thành chức trách, đặc biệt là việc ông ủng hộ những người nông dân không ruộng đất chiếm trang trại của địa chủ.

Người lên thay thế ông Lugo là Phó Tổng thống Federico Franco. Ông Franco thuộc đảng Tự do cấp tiến đích thực, lực lượng cách đây mấy ngày từ bỏ liên minh cầm quyền và ủng hộ xét xử ông Lugo. Vì lẽ này, tân tổng thống Franco phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nước láng giềng Nam Mỹ. Argentine và cả Brazil triệu hồi đại sứ của họ ở Paraguay về nước. Tổng thống các nước Venezuela, Argentine, Bolivia, Ecuador và Cộng hòa Dominica tuyên bố sẽ không công nhận chính quyền mới của ông Franco. Bộ Ngoại giao Cuba tuyên bố lên án việc Thượng viện Paraguay bỏ phiếu bãi miễn Tổng thống hợp hiến Lugo, coi đây là một cuộc đảo chính chống lại quyền tự quyết của các dân tộc Mỹ Latinh nói chung, và nhân dân Paraguay nói riêng.

Trước đó, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho biết trong trường hợp vi phạm điều khoản về dân chủ, Paraguay có thể sẽ bị khai trừ khỏi MERCOSUR (Khối Thị trường chung Nam Mỹ) và UNASUR (Liên minh các nước Nam Mỹ). Ở trong nước, đông đảo những người ủng hộ Tổng thống Lugo xuống đường phản đối phán quyết và xảy ra đụng độ với cảnh sát, buộc lực lượng này phải bắn đạn cao su và hơi cay giải tán những người biểu tình. Những người ủng hộ tổng thống cho biết sẽ tiến hành xét xử "quần chúng" chống lại Thượng viện do phe đối lập kiểm soát.

Vụ xung đột giữa cảnh sát và những nông dân không có đất làm bùng nổ khủng hoảng chính trị ở Paraguay. Ảnh: AP 

Bất chấp phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng, tân Tổng thống Franco cho biết, ông sẽ giải thích tính hợp pháp của việc truất phế người tiền nhiệm Lugo cũng như tìm cách cải thiện mối quan hệ với các nước. Tổng thống mới cũng lên kế hoạch nói chuyện với ông Lugo - người mà ông này coi là chìa khóa để giải quyết tình hình hiện nay. Mục tiêu của tân tổng thống là chính phủ mới của Paraguay được quốc tế công nhận vào thời điểm ông chính thức đảm nhận chức tổng thống vào năm sau. "Tôi có bổn phận và trách nhiệm bắt đầu một quá trình mà chính phủ sắp tới có thể tiếp tục", ông nói và đặc biệt nhấn mạnh khi nói đến vấn đề quan trọng như an ninh và nông nghiệp gia đình trong nước.

Nhưng xem ra vị trí của tân Tổng thống Franco cũng không đảm bảo khi Tổng thống bị phế truất Lugo tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động chính trị và không loại trừ khả năng ra tranh cử vào Thượng viện trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Ông Lugo dự báo, trong cuộc bầu cử ngày 21-4-2013, các lực lượng tiến bộ sẽ lặp lại chiến thắng giành được cách đây 4 năm. Ông Lugo một lần nữa tố cáo vụ xét xử chính trị chống lại ông là một cuộc đảo chính nghị viện chống lại quyền công dân và nền dân chủ, đồng thời cảnh báo sự phản đối rộng rãi của các nước tại Mỹ Latinh đối với cuộc đảo chính này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới Paraguay.

Từ khi lên làm Tổng thống, ông Lugo, vốn là một cựu giám mục công giáo, trở thành mục tiêu công kích của các nhà lập pháp. Nguyên nhân là có ít nhất 4 phụ nữ khẳng định họ có con với  ông Lugo trong khi ông còn là giám mục. Bản thân ông cũng từng thừa nhận "là cha của hai đứa trẻ". Lúc đó, cũng đã có nhiều lời kêu gọi luận tội tổng thống, nhưng các vụ bê bối này không đủ sức để hất cẳng ông. Tuy nhiên, điều đó thay đổi vào ngày 15-6, khi cảnh sát và nông dân không có đất xung đột ở miền đông Paraguay. Xô xát nổ ra khi lực lượng cảnh sát dùng vũ lực để giải tỏa những người nông dân mất đất đang chiếm đóng một điền trang tư nhân. Sự kiện cho thấy thất bại của ông Lugo trong việc phân phối lại đất đai cho người nghèo tại một đất nước mà số ít người giàu có chiếm phần lớn của cải trong xã hội như Paraguay.

Là một trong những quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ, có lịch sử bất ổn định chính trị lâu dài, câu chuyện lật đổ Tổng thống Lugo càng khiến Paraguay trở thành tâm điểm chính trị thế giới trong những ngày qua. Vào tuần tới, tại thành phố Mendoza của Argentine, Hội nghị thượng đỉnh MERCOSUR sẽ nhóm họp tìm cách giải quyết vấn đề Paraguay.

T.L