Đạo diễn Lương Đình Dũng: Cái tình là thứ quý giá nhất con người dành cho nhau
(Cadn.com.vn) - Dường như đặt trọn tâm tư, tình cảm và tâm huyết vào bộ phim Cha cõng con, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, anh muốn mang đến cho khán giả một câu chuyện đẹp về tình cha-con giữa lúc có nhiều lo lắng về đạo đức gia đình, xã hội. “Cái tình là thứ quý giá nhất mà con người ta có được để dành cho nhau”, đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ.
Phim Cha cõng con được trình chiếu, tranh giải tại 6 liên hoan phim (LHP) lớn và đoạt các giải thưởng quốc tế như giải “Phim truyện xuất sắc nhất” tại LHP Canada, giải “Quay phim xuất sắc nhất” tại LHP Barcelona Planet (Tây Ban Nha)... Phim sẽ được công chiếu tại các rạp trên cả nước từ ngày 5-4 tới.
Đạo diễn Lương Đình Dũng |
* Khi bắt tay làm phim Cha cõng con, anh kỳ vọng gì về đứa con tinh thần của mình?
* Khi khởi quay phim ở H. Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) năm 2013, gặp đúng thời điểm lũ quét và vì nhiều lý do khác nên chúng tôi phải ngừng dự án đến năm 2015. Lúc đó, tôi chỉ mong muốn sớm hoàn thành phim. Còn khi hoàn thành phim thì lại mong muốn sớm đưa phim đến với khán giả nhưng chúng tôi đã phải mất 1 năm làm hậu kỳ. Nói chung, tôi đã đặt rất nhiều tâm huyết vào bộ phim này, từ cách kể chuyện đến mỗi khung hình, nhưng việc phim được chọn tranh giải tại nhiều LHP và đoạt giải thì quả thật vượt những gì tôi mong đợi.
* Tên phim rất giản dị Cha cõng con dường như cũng mang thông điệp của cả bộ phim?
* Tôi nghĩ rằng, hầu hết những người con đều hơn một lần trong đời được cha cõng trên vai. Hình ảnh người con trên vai cha trong ánh nắng rực rỡ, trong tiếng thì thầm vào tai cha, trong tiếng cười giòn tan, đẹp và ấm áp vô cùng. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn của chính tôi viết từ năm 1995. Đó là câu chuyện về cậu bé Cá luôn mơ ước được chạm vào những đám mây trên bầu trời. Cha của em cả đời đánh cá bên bờ sông, hằng ngày, Cá tưởng tượng về vùng đất trong những câu chuyện kể lung linh của một ông mù và cậu mơ ước khi lớn lên sẽ được đến nơi huyền diệu ấy. Nhưng rồi Cá bị bệnh và người cha cõng con đi mãi… Từ lâu, tôi đã ấp ủ phải làm một tác phẩm thật đẹp về tình cảm gia đình bởi khi còn nhỏ, trong một lần trên đường về quê, tôi tận mắt chứng kiến một người con cầm gậy đánh cha mình đến ngã gục. Hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi. Sau này báo chí đăng thông tin về những vụ cha mẹ bạc đãi con; con đánh đập, thậm chí sát hại cha mẹ, tôi thấy đau lòng. Tôi nghĩ rằng, cái tình là thứ quý giá nhất mà con người ta có được để dành cho nhau.
Cảnh trong phim Cha cõng con (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp). |
* Ngày 5-4, phim sẽ ra rạp, điều anh mong đợi nhất là gì, doanh thu hay sự đón nhận của khán giả?
* Tôi muốn phim đến với nhiều khán giả nhất, dù bằng phương tiện nào. Khán giả có quyền lựa chọn cảm xúc của họ và tôi đang mang những điều tốt đẹp của một bộ phim thực thụ đến với họ. Làm phim truyện nhựa, ai cũng cần doanh thu, nhưng đôi khi không thể dùng doanh thu để định lượng giá trị của một bộ phim.
* Ban tổ chức Liên hoan phim (LHQ) quốc tế Boston lần thứ 15 đã lựa chọn Cha cõng con để trình chiếu và tranh tài cùng nhiều tác phẩm khác tại sự kiện uy tín này của điện ảnh Mỹ. LHP quốc tế Boston sẽ diễn ra tại bang Massachusetts (Mỹ) từ ngày 13-4 đến 17-4 tới. Ngoài ra, Cha cõng con là phim truyện Việt Nam đầu tiên được đề cử tranh giải Remi danh giá tại LHP quốc tế Houston lần thứ 50 tại bang Texas (Mỹ) từ ngày 21-4 đến 30-4. |
* Nhưng anh có lo ngại về doanh thu của phim không, bởi một bộ phim trong sáng, giàu cảm xúc về tình cha con, cùng dàn diễn viên không “hot” thì chưa đủ sức nặng để kéo khán giả đến rạp?
* Phim tôi làm dành cho đối tượng khán giả nhất định. Hãy xem phim Cha cõng con như một sự thưởng thức, đón nhận những điều giản dị và rất đỗi tự nhiên của tình yêu thương để tâm hồn thư thái, an nhiên… Có lẽ nhiều khán giả sẽ cần những khoảng lặng và cảm xúc như vậy giữa cuộc sống đầy tất bật này.
* Theo anh, tiêu chí để một bộ phim truyện nhựa của điện ảnh Việt hút khán giả là gì?
* Tôi nghĩ, chỉ cần các tiêu chí: câu chuyện hay cộng với một “bữa tiệc hình ảnh” thì dễ chinh phục khán giả Việt Nam.
* Thực tế, rất nhiều phim Việt Nam được đánh giá cao tại các kỳ LHP khu vực, hay tại LHP Việt Nam… nhưng vừa ra rạp đã thất bại. Anh nghĩ gì về điều này? Phải chăng do các nhà làm phim chỉ chú trọng tính chính trị (chẳng hạn như những phim đề tài lịch sử), tính nghệ thuật mà bỏ qua thị hiếu của khán giả?
* Trước đây, từng có nhiều ý kiến rằng, không có phim nghệ thuật hay phim thương mại, mà chỉ có phim có khán giả và không có khán giả mà thôi. Nếu vin vào nghệ thuật mà không hướng đến khán giả thì phải chấp nhận lỗ và cũng đừng đánh giá rằng khán giả giỏi hay không giỏi xem phim. Quan điểm của tôi khá rõ ràng trong mục tiêu khi làm phim, một là tôi sẽ làm phim hướng tới khán giả nhưng yếu tố thể hiện sự tinh tế của ngôn ngữ điện ảnh được coi trọng hàng đầu; hai là tôi làm phim chỉ để đi thi và lúc đó là một cuộc chơi, khám phá của mình với ban giám khảo, khán giả không phải là đối tượng để hướng tới trong trường hợp này. Nhưng nếu chỉ đơn thuần làm phim để dự thi thì tôi sẽ đầu tư rất ít tiền.
* Xin cảm ơn anh về trò chuyện thú vị này!
Hà Phương Thảo
(thực hiện)