Đạo diễn Thạch Si Phol và nghệ thuật tuồng cổ Khmer

Thứ hai, 17/12/2007 00:00

Thể nghiệm

(Cadn.com.vn) - Hôm tôi đến sân khấu diễn tập, Đội thông tin văn nghệ (TTVN) Samaky đang dàn dựng vở dù kê Ngư Vương xuất thế để chuẩn bị đi biểu diễn phục vụ bà con trong dịp Tết này. Vở dù kê do Thạch Sô Van Nên-người Trà Vinh viết kịch bản, phỏng theo một câu truyện cổ Khmer, cốt truyện tương tự như truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng”...

Tuy không bố trí nhiều phân cảnh nhưng “Ngư vương xuất thế” và một số vở dù kê khác như: “Tup Song Hoa”, “Tấm Cám”... đều lồng thêm nhiều màn múa phụ họa nên các diễn viên phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Để thuần thục ca từ, xử lý linh hoạt, tinh tế các chi tiết nhỏ, khó, nhanh, dứt khoát trong các động tác múa cung đình Apsara hay múa dân gian Rôbăm, diễn viên phải khổ luyện hàng tháng trời. “Đầu tàu” Thạch Si Phol là người chịu trách nhiệm dàn dựng chương trình, đạo diễn sân khấu kiêm biên đạo múa nên mỗi vở diễn, anh đều dồn hết tâm huyết “thai nghén”, sáng tạo cho“đứa con tinh thần” luôn tươi mới, độc đáo, hấp dẫn. Đạo diễn Thạch Si Phol tâm sự: “Không phải ai làm đạo diễn sân khấu đều hiểu đúng, dàn dựng “trúng” ngôn ngữ nghệ thuật múa truyền thống dân tộc Khmer. Không ít vở dù kê (tuồng cổ Khmer) dẫu kịch bản hay, nội dung sâu sắc, giá trị nghệ thuật đặc sắc, song khi đưa lên sân khấu đã bị các đạo diễn cắt đi những đoạn khó thể hiện nhưng lại là phần hồn cốt nhất của tác phẩm(!). Đội TTVN Samaky không chấp nhận lối diễn đó và đã thể nghiệm một hướng đi riêng trên con đường chinh phục nghệ thuật truyền thống dân tộc”.

Chỉ trong một thời gian ngắn thể nghiệm loại hình sân khấu tuồng cổ Khmer (dù kê), Đội Samaky đã tạo được tiếng vang trong lòng công chúng đồng bào Khmer, được giới chuyên môn trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Samaky đã khẳng định được “đẳng cấp” nghệ thuật của mình qua nhiều hội diễn, liên hoan cấp khu vực cũng như cấp quốc gia; và, với hơn 20 HCV, Bạc và nhiều Bằng khen do Bộ Văn hóa-Thông tin trao tặng từ năm 2000 đến nay đã minh chứng cho sự tâm huyết, nỗ lực của tập thể cán bộ, diễn viên của Đội.

Đoàn nghệ thuật Samaky biểu diễn vở Tướng công Ritti Jac

Gian nan chặng đường phục sinh

Đội trưởng Thạch Si Phol nhớ lại những năm mới giải phóng, thời điểm đó, Minh Hải (cũ) chưa tách tỉnh nên 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau chỉ có một Đoàn nghệ thuật Samaky với quân số 56 diễn viên. Được tỉnh giao nhiệm vụ đưa văn hóa nghệ thuật đến vùng đồng bào Khmer phục vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đoàn Samaky đã liên tục “nằm vùng” ở các chùa, các thôn, ấp thực hiện biểu diễn không doanh thu. Đoàn đi đến đâu cũng đều được bà con nhiệt liệt chào đón.

Thế nhưng, từ thời điểm năm 1980-1988, trước sự tấn công ồ ạt của làn sóng phim, ảnh, băng đĩa video... những giá trị kinh điển của nghệ thuật sân khấu dân tộc theo đó cũng dần dần lu mờ. Là người luôn đau đáu với nghệ thuật truyền thống dân tộc, Thạch Si Phol (lúc đó đang là diễn viên) đã trăn trở khôn nguôi trước thực trạng Đoàn nghệ thuật Samaky chỉ còn vài ba diễn viên neo trụ lại. Năm 1989, ông quyết định sang Campuchia học múa. Sau một năm miệt mài tập luyện, Thạch Si Phol đã khá nhuần nhuyễn các động tác cơ bản trong điệu múa Rôbăm, Dù kê, Krămvông... của dân tộc Khmer. Ông trở về Bạc Liêu và bắt tay gây dựng lại Đội TTVN Samaky. Được tỉnh tạo cơ chế, Si Phol đề xuất với Sở Văn hóa- Thông tin cấp cho ông một màn hình tivi loại 21 inches kèm theo một đầu máy chiếu. Ông cùng 3 cộng sự bắt đầu cuộc hành trình đưa phim ảnh về loại hình nghệ thuật này và song song đó là ra sức tìm kiếm, chiêu mộ người tài...

Đến nay, Đội Samaky đã phát triển quân số lên 29 người. Những gương mặt tài năng của Đội như diễn viên Kim Thị Chung-Đội Phó; Lý Thị Hồng Kiều; Sơn Thị Na Vi, Thạch Thiệu;... đã gặt hái được nhiều giải cao trong các hội thi, hội diễn sân khấu bán chuyên nghiệp. Vào dịp nghỉ hè, Đội Samaky còn tổ chức chiêu sinh, đào tạo miễn phí cho gần 200 em học sinh dân tộc Khmer về phần thanh, nhạc lý và các điệu múa cơ bản của dân tộc Khmer.

Với những nỗ lực đóng góp  không nhỏ trong công tác tuyên truyền và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, Samaky đang rất cần được quan tâm đầu tư hơn nữa để nâng tầm hoạt động lên cấp Đoàn.

Sông Lam