Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Phải gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp!
(Cadn.com.vn) - Ngày 2-12 tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Dạy nghề phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức tổng kết chương trình việc làm cho lao động nông thôn giai đoạn 2012- 2014. Đây là dự án được tổ chức lao động quốc tế ILO triển khai và Đại sứ quán Luxembourg tài trợ nhằm hỗ trợ nâng cao cơ hội việc làm bền vững cho nam, nữ thanh niên lao động nông thôn Việt Nam qua các mô hình trang bị kỹ năng giúp thanh niên tiếp cận việc làm.
Thanh niên thất nghiệp và thiếu việc làm là một mối quan tâm chính ở nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đang chiếm tỷ lệ cao trong số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học. Bên cạnh đó, nam, nữ thanh niên lao động nông thôn Việt Nam chiếm tỷ lệ gấp 3 lần so với mức trung bình của thế giới.
Do vậy, mục tiêu của dự án là trang bị cho thanh niên nông thôn và phụ huynh những thông tin về sự nghiệp là trọng tâm chính của Chương trình Việc làm Thanh niên nông thôn mà ILO hướng tới. Được triển khai trong thời gian ngắn và chỉ mới ở 3 tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam nhưng chương trình đã đạt được những kết quả rất khả quan.
Công tác đào tạo nghề thuộc dự án ILO tại Quảng Nam. |
Các hoạt động của Chương trình bao gồm: xây dựng và phát triển tài liệu, đào tạo giáo viên và triển khai tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và thanh niên nông thôn; xây dựng các nội dung tập huấn Luật Lao động, khởi sự kinh doanh, tìm kiếm việc làm và nâng cao phương pháp cho giáo viên triển khai cho học sinh các cơ sở dạy nghề; triển khai ngày hội hướng nghiệp, ngày hội việc làm, tọa đàm liên kết doanh nghiệp.
Để Chương trình được nhân rộng và đảm bảo tính bền vững khi áp dụng vào Việt Nam, đặc biệt là áp dụng đối với các cơ sở dạy nghề để tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, kết nối giữa người học với cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, Tổng cục Dạy nghề đề nghị tổ chức ILO nghiên cứu hỗ trợ để triển khai nhân rộng Chương trình này tại một số tỉnh, thành đồng thời chuyển giao bộ Tài liệu và hỗ trợ để phổ biến đến các cơ sở dạy nghề trong cả nước.
* Kết quả dự án: hơn 11.000 thanh niên và cha mẹ được hướng nghiệp và tư vấn đào tạo thông qua các cơ sở đào tạo nghề và trường phổ thông ở nông thôn; Ít nhất hơn 80% học viên được trang bị kỹ năng khởi sự kinh doanh; đào tạo được đội ngũ giảng viên nòng cốt và hơn 200 giáo viên hướng nghiệp ở các trường trung học cơ sở. |
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH cho biết: Chương trình Việc làm Thanh niên nông thôn được triển khai trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện việc phân luồng học sinh, tăng cường số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học tại các trường dạy nghề nhằm đào tạo lực lượng lao động trực tiếp có chuyên môn kỹ thuật phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước khi tham gia chương trình này, các tỉnh thí điểm đều gặp một số khó khăn chung đó là: nhận thức trong các tổ chức, bậc cha mẹ phụ huynh, các em học sinh... về vấn đề việc làm còn kém, lạc hậu; việc tư vấn và định hướng nghề nghiệp không được chú trọng, đụng đâu làm đấy; mức độ phổ biến kinh nghiệm trong công tác, tuyên truyền tư vấn nghề nghiệp, tạo việc làm còn thấp; đặc biệt là cơ hội chỗ việc làm trống cho người lao động là thanh niên nông thôn gần như không có. Sau khi tham gia, lao động các tỉnh thành phố trên đã có những chuyển biến rất tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần đặt ra để giải quyết tốt hơn trong thời gian đến đó là: Cấp ngành địa phương cần đối thoại trực tiếp, có biện pháp quản lý thị trường lao động linh hoạt, từ đó, bảo đảm được Hợp đồng lao động an toàn, đảm bảo thu nhập khi mất việc. Bên cạnh đó, cần đào tạo nghề gắn với việc tạo việc làm; chất lượng lao động cần phải nâng lên bao gồm học vấn, trình độ nghề nghiệp, kỹ năng lao động, kỷ luật công nghiệp, ý thức luật pháp.
Đặc biệt đối với các trường đào tạo nghề cần phối hợp chặt chẽ với Doanh nghiêp trong quá trình đào tạo, thường xuyên tổ chức những Hội thảo chuyên đề; thậm chí thành lập bộ phận quan hệ với doanh nghiệp (để tìm hiểu thông tin, nhu cầu...). Có như vậy, việc đào tạo nghề- tạo nguồn cung với nhu cầu của các doanh nghiệp mới thực sự khớp với nhau, đáp ứng được việc làm cho người lao động, nhất là đối với lao động nông thôn.
Lê Anh Tuấn