Đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch tại TP Đà Nẵng: Tiềm năng và thách thức
(Cadn.com.vn) - Sau TPHCM, Đà Nẵng là địa phương đang có những nỗ lực triển khai đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay công tác tổ chức đào tạo cũng như nguồn kinh phí phục vụ đào tạo gặp rất nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, trước thực trạng khan hiếm nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, các trung tâm và doanh nghiệp đã phải tự thân vận động bằng những giải pháp khác nhau. Để có nguồn lao động cho chính mình, hầu hết doanh nghiệp phải tiến hành tuyển dụng và chọn lựa những sinh viên tốt nghiệp các ngành điện tử, CNTT của các trường đại học và sau đó tiến hành đào tạo lại theo hình thức triển khai các khóa đào tạo chuyên môn sâu nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Thực trạng thiếu nguồn nhân lực thiết kế vi mạch không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn xảy ra nghiêm trọng ở các thành phố, địa phương trong cả nước.
Ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam còn rất non trẻ, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. |
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP cho biết, để giải quyết một phần nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp CNTT, mà trực tiếp là ngành thiết kế vi mạch, tháng 10-2013, Ban Quản lý tiểu Dự án phát triển Công nghệ TT&TT tại Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với Liên danh Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC - Đại học Quốc gia TPHCM), Công ty CP Người Đồng Hành mở khóa đào tạo thiết kế vi mạch.
Đây là khóa đào tạo đầu tiên trong lộ trình phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Đà Nẵng. Điều đáng mừng là sau khi hoàn thành khóa đào tạo, gần 100% học viên đã được các công ty, doanh nghiệp tuyển chọn trực tiếp và hầu hết đều được nhận vào làm việc với mức lương từ 400 đến 600 USD/tháng. Điều này cho thấy, số lượng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản cung cấp cho thị trường trong thời gian qua thật giống như "muối bỏ biển".
Cũng như hầu hết các địa phương trong cả nước, ở Đà Nẵng hiện vẫn chưa có trường đại học chính thức đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch, vì vậy, bài toán thiếu nguồn nhân lực ngành thiết kế vi mạch là vấn đề cần giải quyết không chỉ ở thời điểm hiện nay mà còn cả ở trong tương lai.
Nói về những khó khăn trong công tác tổ chức khóa đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, ông Phạm Kim Sơn chia sẻ: Tham gia khóa học này các học viên không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Chi phí đào tạo cho mỗi học viên trong một khóa ước khoảng 150 triệu đồng, trong đó các đơn vị tham gia tài trợ đã chia sẻ khoảng một nửa, phần còn lại Sở TT&TT Đà Nẵng tự trang trải.
"Để có được kinh phí tổ chức khóa nhân lực đầu tiên cho ngành vi mạch, TP Đà Nẵng đã phải tiêu tốn khoảng gần 1,6 tỷ đồng. Để huy động được số tiền này, Sở TT&TT Đà Nẵng đã phải "gõ cửa" khắp nơi xin các đơn vị tham gia tài trợ. Ngoài ra, nếu không có sự giúp sức của đội ngũ chuyên gia đầu ngành là những Việt kiều hiện đang công tác, giảng dạy tại các trường đại học trên thế giới thì chương trình đào tạo thiết kế vi mạch rất khó triển khai", ông Trần Văn Dũng, Phó trưởng BQL tiểu dự án Phát triển CNTT-TT tại TP Đà Nẵng cho biết thêm.
Việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch điện tử không chỉ góp phần phát triển nền công nghiệp CNTT mà còn tạo ra tác dụng lan tỏa, hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp khác phát triển như: công nghiệp ô-tô, công nghiệp hàng không, công nghiệp quốc phòng và nhiều ngành công nghiệp chế tạo khác.
Nếu Việt Nam khai thác đúng thế mạnh của công nghiệp vi mạch điện tử sẽ tạo những điều kiện nền tảng hạ tầng công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam và đầu tư phát triển công nghệ chế tạo tại Việt Nam. Chỉ với lộ trình này, Việt Nam mới vượt qua tình trạng gia công lắp ráp đơn thuần hiện nay.
Tuy nhiên, để có một nền công nghiệp vi mạch phát triển vững chắc thì cần xây dựng được một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề này thực sự là một thách thức với Việt Nam khi ngày càng nhiều các tập đoàn nước ngoài triển khai đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Nokia, Canon... và họ đánh giá rằng Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp vi mạch với những chíp điện tử sản xuất trên nền công nghệ cơ bản như: các loại card điện tử, chip RFID (ứng dụng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống), SIM card ĐTDĐ, chíp ĐTDĐ thông minh.
Đại Khải