Đào tạo phải hướng tới nhu cầu thị trường lao động

Thứ bảy, 12/08/2017 10:20

Khẩn trương rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học (ĐH) và đào tạo giáo viên; đào tạo phải hướng tới nhu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD ĐH..., đó là những nội dung được các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến "Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), các trường sư phạm" do Bộ GD-ĐT tổ chức tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh sáng 11-8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

"Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, đặc biệt là các trường sư phạm
khẩn trương nhưng không được nóng vội, bởi đây là ngành đào tạo đặc thù",
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Đào tạo phải gắn liền địa chỉ đầu ra

Báo cáo tổng kết do Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thị Kim Phụng trình bày tại hội nghị đã nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự về tính khúc chiết, súc tích, đi sâu vào phân tích nguyên nhân những hạn chế, cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm học mới 2017-2018.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng cần đẩy nhanh việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH và trường sư phạm. Điều này sẽ giúp cho ngành có bức tranh toàn cảnh, có chiều sâu về GDĐH Việt Nam. Trên cơ sở đó xác định được trọng tâm phát triển GDĐH; gắn phát triển GDĐH với nhu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, việc xây dựng danh mục mã ngành đào tạo phải thực hiện phù hợp với thông lệ quốc tế, mang tính mở để bắt nhịp được với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, của nền kinh tế xã hội. Bộ GD-ĐT cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ sở GDĐH trong việc đề xuất ngành nghề đào tạo mới phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Để tăng cường khả năng có việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp, ngoài các giải pháp căn cơ, cần chú trọng việc đổi mới việc thực tập thực tế của SV. Đặc biệt phải xây dựng được báo cáo số liệu SV có việc làm sau khi ra trường một cách thực chất.

"Nếu một trường ĐH công bố được số liệu thống kê SV có việc làm sau khi ra trường đúng thực chất, chắc chắn việc tuyển sinh sẽ không có vấn đề gì cả. Các số liệu thống kê về SV ra trường có việc làm của các trường thường rất cao. Trong tương quan so sánh về số lượng người thất nghiệp hiện nay, xã hội có quyền nghi ngờ về vấn đề này. Theo đó, thống kê thực chất việc làm của SV sau khi ra trường rất quan trọng, cần được nhấn mạnh trong năm học tới", PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, GS.TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho rằng trong quá trình đào tạo, các trường ĐH phải liên kết với các doanh nghiệp (DN). Theo đó, các trường ĐH nên mời các chuyên gia, DN về giảng dạy những chuyên đề liên quan đến lĩnh vực đào tạo; đồng thời đề nghị DN phải tạo điều kiện hỗ trợ cho SV trong quá trình thực tập.

Đề cập đến vấn đề tự chủ ĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tự chủ là thuộc tính của ĐH. Đích cuối cùng mà tự chủ ĐH hướng tới là để nâng cao chất lượng, giải phóng các nguồn nhân lực. Các trường cần thay đổi nhận thức về tự chủ ĐH không chỉ đơn thuần ở tự chủ về tài chính. Sắp tới đây, các trường phải tự chịu trách nhiệm về đầu vào, Bộ GD-ĐT không can thiệp vào nữa. Theo đó, các trường phải tự nghiên cứu thị trường lao động để có sự thay đổi về phương pháp giảng dạy, xem xét, điều chỉnh lại các ngành nghề, chương trình đào tạo cho phù hợp nhu cầu lao động của thị trường. Mặt khác, các trường ĐH phải làm tốt khâu dự báo thị trường lao động, Bộ không làm thay cho các trường.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, có một thực tế là nhiều trường không nghiên cứu nhu cầu của thị trường lao động để đào tạo những ngành mà xã hội cần, chủ yếu đào tạo trên cơ sở khả năng của mình hiện có dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu, nhiều SV ra trường không có việc làm.

GS.TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐH Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị.

Sẽ có phiên họp riêng đối với các trường ĐH Sư phạm

Trước những trăn trở của các đại biểu cũng như của xã hội về chất lượng đầu vào các trường ĐH Sư phạm không cao như khối ngành đào tạo kỹ thuật, y dược hay ngành CA, Quân đội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ có buổi làm việc riêng đối với các trường ĐH Sư phạm trong tuần tới. Các công việc liên quan đến chuẩn giảng viên sư phạm, chuẩn giáo viên sư phạm và chuẩn cán bộ quản lý sẽ thuộc về trách nhiệm của Bộ.

Tới đây, Bộ quyết tâm sẽ khẩn trương thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và các trường sư phạm một cách căn cơ, quy chuẩn, chú ý đến yếu tố thị trường cũng như xu hướng phát triển ĐH trên thế giới, tránh trường hợp tùy tiện, cứng nhắc. Trong đó, ưu tiên hàng đầu đến công tác khảo sát, đánh giá kỹ về các vấn đề liên quan các trường sư phạm, bởi đây là những trường cung cấp thị trường lao động đặc biệt. Ngoài điểm chuẩn đầu vào của ngành SP, trong quá trình tuyển sinh, theo Bộ trưởng, cần đặc biệt chú ý đến yếu tố phẩm chất và năng khiếu của người đăng ký vào học ngành đào tạo đặc biệt này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các trường ĐH Sư phạm phải rà soát để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, đặc biệt là các trường sư phạm khẩn trương nhưng không được nóng vội, bởi đây là ngành đào tạo đặc thù.

P.THỦY

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sắp tới đây sẽ kiến nghị sửa đổi Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được. Việc sửa đổi Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học sẽ góp phần kiến tạo, hỗ trợ cho việc đổi mới giáo dục đại học.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------