Đất không phụ công người

Thứ bảy, 16/01/2021 12:22

35 năm trước, xã miền núi Hòa Phú (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được thành lập trên cơ sở tách 4 thôn An Châu, Đông Lâm, Hội Phước, Hòa Phước (xã Hòa Phong) và 5 làng kinh tế mới Lâm Viên được thành lập từ năm 1976; sau đó thêm 1 bộ phận đồng bào Cơ Tu vùng thấp Phú Túc (H. Hiên, Quảng Nam - Đà Nẵng). Lúc bấy giờ, cả xã có gần 800 hộ dân nhưng cơ sở hạ tầng chỉ là con số "không", ngoài tuyến đường độc đạo ĐT604 nối liền miền núi với miền xuôi được cấp phối đá thì các tuyến giao thông còn lại hoàn toàn là đường đất; làng xóm chỉ là những mái nhà tranh tre lụp xụp, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, kham khổ thiếu ăn, thiếu mặc triền miên...

Vùng kinh tế mới Lâm Viên (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) đã thực sự "thay da, đổi thịt". 

Trước tình hình đó, Huyện ủy Hòa Vang chỉ đạo, phải bằng mọi giá củng cố, xây dựng các cơ sở Đảng, thành lập Đảng bộ xã Hòa Phú làm nòng cốt để xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cùng nhân dân từng bước xây dựng, phát triển địa phương. Các cấp chính quyền huy động máy móc, người dân tích cực rủ nhau be bờ, đắp đê dẫn nước từ các khe suối về đồng ruộng trồng lúa nước mưu sinh. Dẫu còn khó khăn nhưng "đất không phụ công người", người dân từng bước chủ động nguồn lương thực, thực phẩm dài ngày. Sau đó, các đập Đồng Tréo (thôn An Châu), Hố Cau (thôn Hòa Phát) được xây dựng, tạo nguồn nước sản xuất, năng suất cây trồng từ đó tăng dần. Có nguồn nước, nhiều hộ dân còn đào thêm ao nuôi cá, chăn thả gia súc, trồng cây tái sinh rừng... Ông Ngô Phương (thôn Hòa Phát) nhớ lại, sản xuất nông nghiệp lúc đó chỉ bằng cái rìu, cái rựa, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn nên Nhà nước phải thường xuyên hỗ trợ gạo ăn. Nếu như trước đây, cây mía tạo điều kiện cho người dân lao động sản xuất, tiêu thụ nông sản cải thiện cuộc sống, thì nay với việc ươm giống cây trồng sau khai thác, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc đã trở thành nguồn thu nhập chính của mỗi hộ gia đình.

Cùng với đó, nhiều chương trình khuyến nông của TP, huyện được đưa đến tận nơi, người dân được tập huấn, hướng dẫn và biết cách áp dụng kỹ thuật sản xuất mới để từng bước xóa bỏ hình thức sản xuất lạc hậu. Rồi điện, trạm y tế, trường học, thủy lợi nội đồng, nhà ở cứ dần dần kiên cố, khang trang lên; máy móc được đưa vào đồng ruộng làm thay sức người, người dân không còn ở nhà tạm. Đặc biệt, khi Nhà nước triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì bộ mặt nông thôn miền núi nơi đây đã thực sự khởi sắc. Từ chỗ toàn đường đất, đi lại khó khăn nay đều được thảm nhựa, bê-tông hóa, ô-tô lưu thông đến tận nơi vận chuyển hàng hóa...

Người dân thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú) phát triển kinh tế với nghề ươm giống cây tái sinh rừng.

Ông Võ Sơn - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Hải cho biết, trước đây, cả thôn kinh tế mới này có gần 100 hộ dân nhưng không có nổi một ngôi nhà kiên cố, hộ nghèo chiếm 60-70%. Còn nay, 80% hộ dân trong thôn gắn bó với kinh tế rừng, dựa vào rừng để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu; đặc biệt là nghề ươm giống cây tái sinh rừng sau khai thác phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/năm; không chỉ đáp ứng đủ cây giống chất lượng cao tại chỗ mà bà con còn xuất bán cây con cho nhiều địa phương ở Quảng Nam, TT - Huế. Ngay cả đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc bao đời nay chỉ dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bây giờ họ đã chủ động sản xuất rượu cần phục vụ khách du lịch...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Thị Lý, mỗi lần đi cơ sở tìm hiểu và thấy người dân bước đầu làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì mô hình kinh tế bền vững đã đọng lại trong bản thân chị biết bao niềm vui. Song, cái chính là họ biết suy tính, chịu khó "một nắng, hai sương" gắn bó với ruộng vườn, mạnh dạn phá bỏ nếp nghĩ cũ và biết tích lũy, thể hiện tinh thần vì xóm làng, vì vùng đất mình đang sống. Ước mơ của bao thế hệ người dân miền núi đã trở thành hiện thực. Diện mạo nông thôn đổi mới, người dân rất phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Còn thế hệ cao niên như bà Ngô Thị Phi (thôn Hòa Hải), ông Nguyễn Xuân (thôn Hòa Thọ) đều phấn khởi xác nhận, có trải qua những tháng ngày gian khó mới càng trân quý hơn những đường làng sạch đẹp, những thôn xóm khang trang, cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Sau 45 năm từ vùng nội thành lên đây khai hoang, lập nghiệp, gia đình họ với 3, 4 thế hệ nhưng cái ăn, cái mặc vẫn đủ đầy, cháu con được học hành đến nơi, đến chốn. Bây giờ cuộc sống của họ trên quê hương thứ 2 này đã thực sự "thay da, đổi thịt".

VY HẬU