Đất nước mãi khắc ghi công ơn các Mẹ

Thứ hai, 31/03/2014 12:30

(Cadn.com.vn) - Trong cuộc đời này, thiêng liêng nhất đó chính là Tổ quốc và Mẹ. Hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc đã khắc dấu công lao to lớn và chói ngời của những người Mẹ, những người đã hy sinh cả máu thịt, người thân cho độc lập dân tộc.

Hiện cả  nước có gần 50.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), riêng TP Đà Nẵng, đến cuối năm 2013, TP có 1.588 Mẹ VNAH, trong đó có 114 mẹ còn sống. Để tri ân những người Mẹ, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương, đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo các Mẹ VNAH với mức phụng dưỡng hàng tháng 1 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, ngày hôm nay (31-3), Sở LĐ-TB&XH tổ chức Lễ truy tặng và trao tặng danh hiệu Mẹ VNAH của Nhà nước cho các Mẹ tại Nhà hát Trưng Vương với tất cả lòng tôn kính, tri ân sâu sắc nhất. Được biết, trong buổi lễ này, đã có 197 Mẹ được trao tặng và 235 Mẹ đã hy sinh, từ trần được truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ VNAH.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Bùi Hồng Lĩnh thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng
tại TP Đà Nẵng.

Báo CATP Đà Nẵng xin khắc họa 3 trong số chân dung những người Mẹ được trao tặng danh hiệu cao quý Mẹ VNAH trong buổi lễ ngày 31-3 này:

Mẹ VNAH PHAN THỊ PHÙNG (88 tuổi):

Vẫn còn nhớ thương người đã khuất

Chồng và con của Mẹ đã hy sinh từ những năm 1968, 1969, nhưng mắt Mẹ vẫn còn hoe hoe đỏ khi nói chuyện về những người thân yêu nhất. Năm 1968, con gái của mẹ là Bí thư chi đoàn, khi đang tổ chức buổi họp cùng với cán bộ thì bị địch bắt. Địch đem ra tra tấn khủng khiếp nhưng cô gái nhỏ bé, kiên cường đó đã không khai bất kỳ một điều gì về cơ sở cách mạng. Thấy không thể khai thác được gì, địch đã thả cô nhưng những vết thương trong quá trình tra tấn quá nặng nề đã mang cô đi khỏi Mẹ. Chưa kịp dứt tang con thì chồng của Mẹ, Phó Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) khi đang hoạt động tại Bình Hải thì bị địch phục kích. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, Mẹ khóc ngất từng cơn nhưng vẫn quyết bám trụ để làm cơ sở cho cách mạng, đưa thanh niên về cơ sở, nuôi giấu cán bộ. Ngày tang chồng cũng là ngày Mẹ quấn chặt đôi tay bị địch bắn, treo ngược lên vai... nên cũng không thể thắp được nén nhang cho chồng.

Năm tháng và chiến tranh rồi cũng đi qua, sau giải phóng Mẹ về ở quê Bình Dương (Thăng Bình) và đến năm 1990, Mẹ cùng người con lớn ra định cư tại Đà Nẵng. Sự chăm sóc của những đứa con, đứa cháu cũng làm Mẹ dần nguôi ngoai nhưng hình ảnh những người đã khuất không bao giờ phai trong tâm can Mẹ...

Mẹ VNAH TRẦN THỊ MỘT (90 tuổi):

Khát khao tìm được hài cốt chồng

Chúng tôi đến thăm Mẹ và tình cờ gợi lên trong Mẹ về nỗi khát khao mấy chục năm qua luôn cháy bỏng tâm trí của Mẹ. Chồng Mẹ là Tỉnh ủy viên, hoạt động tại Duy Xuyên vào năm kháng chiến chống Pháp 1954. Khi đang đi họp thì bị địch tập kích, bắt được. Sau những đòn tra tấn dã man mà không thu được thông tin gì, địch thủ tiêu chồng Mẹ, đến nay Mẹ vẫn chưa tìm thấy thi hài. Con gái của Mẹ, Phạm Thị Lê, thì hy sinh trên đường đi công tác tại Núi Đất (Phú Thạch, H. Quế Sơn) vào năm 1969 khi bị máy bay địch phát hiện, bắn xối xả...

39 năm sau giải phóng, là 39 năm Mẹ không thôi tìm kiếm thông tin về hài cốt chồng mình... Cứ mỗi lần đau là mỗi lần Mẹ mê sảng gọi tên con, tên chồng. Cứ mỗi lần nhận tiền tuất liệt sĩ, tiền phụng dưỡng... là Mẹ lại không cầm được nước mắt...

Khát khao cháy bỏng, lớn nhất của Mẹ là tìm được thi hài chồng về đoàn tụ với tổ tiên.

Mẹ VNAH ĐỖ THỊ HÒE (93 tuổi):

Mong đất nước không bao giờ giặc giã!

Căn nhà của Mẹ nằm gọn bên cạnh Trường Phù Đổng. Khi chúng tôi đến, Mẹ đang nhặt rau. Nhớ về những người đã khuất, Mẹ bùi ngùi. Chồng Mẹ làm Ban kinh tế của xã thì bị địch phục kích, hy sinh năm 1968. Tang chồng chưa mãn, ngay năm sau, con trai Mẹ là Phó văn phòng Huyện ủy Duy Xuyên bị địch phục kích trên đường đi công tác, bị thương và lọt vào tay địch. Địch tra tấn, tìm mọi cách khai thác thông tin từ anh nhưng không được, chúng quyết định thủ tiêu anh tại Bệnh viện Duy Tân (Bệnh viện C. 117 bây giờ), mãi đến gần đây mẹ mới tìm được thi hài anh, đưa về an táng. Mẹ sinh 5 người con, giờ chỉ còn một người, cũng là bộ đội về hưu. Hơn ai hết, Mẹ thấm thía nỗi đau mà chiến tranh gây ra. "Đến cái tuổi này thì cũng chẳng thiết tha gì nữa. Nhưng Mẹ vẫn mong Việt Nam không bao giờ giặc giã!", Mẹ nói.

Lê Anh Tuấn