Đất trồng ở Bàu Đưng bị ngập úng: Gần chục năm ngậm ngùi nhìn cỏ mọc

Thứ sáu, 06/07/2018 19:00

Gần chục năm qua, 5 ha đất trồng 2 vụ lúa thuộc khu vực Bàu Đưng (thôn Quan Châu, xã Hòa Châu, Hòa Vang, TP Đà Năng) không thể canh tác do bị ngập nước, người nông dân đành ngậm ngùi nhìn... cỏ mọc.

Đất trồng ở Bàu Đưng bị ngập úng.

Tại sao người nông dân phải “bỏ” ruộng, khi đất dành cho sản xuất nông nghiệp tại TP Đà Nẵng đang ngày càng bị thu hẹp? Theo ông Nguyễn Bình-Chủ tịch UBND xã Hòa Châu: 5 ha đất trồng lúa hiện nay đang bỏ hoang, trước đây là vùng đất trũng so với mặt bằng chung nằm về phía tây QL1A. Khi Nhà nước quy hoạch các khu dân cư vùng hạ du, như: khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (P. Hòa Xuân) và khu dân cư nằm phía Đông QL1A thuộc địa bàn xã Hòa Châu làm cho diện tích ruộng này bị úng thủy, không thể sản xuất. Hiện tại, toàn bộ diện tích khu đất này được Nhà nước tiến hành quy hoạch nhưng dự án chưa lập thủ tục thu hồi đất và thực hiện.

Theo phản ánh của người dân: Trong quá trình xây dựng các khu dân cư mới trên địa bàn xã Hòa Châu và một số địa phương lân cận, các đơn vị thi công đã làm tắc tuyến mương tiêu lượng nước thừa từ các chân ruộng xung quanh đổ về khu vực Bàu Đưng gây nên cảnh úng thủy. Do không thể canh tác, đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Bỗng (1945), trú tổ 10, Quan Châu, Hòa Châu, cho biết: Từ khi Nhà nước thi công khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, mỗi năm diện tích đất bị úng thủy cứ tăng lên theo mức nước. Đồng ruộng ngày nào trở thành ao hồ, là địa điểm lý tưởng cho các loại côn trùng gây hại cho người và cây trồng, như: muỗi, châu chấu… sinh sôi nảy nở. Hàng năm, ngành Y tế tổ chức phun thuốc diệt muỗi, phòng dịch nhưng vẫn không giảm. Ngoài ra, việc ngập úng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nông dân, cụ thể: Một sào ruộng (500m2) đất tại đây một năm được cấy 2 mùa lúa và thu hoạch  khoảng 600kg lúa nhưng hiện nay Nhà nước hỗ trợ 3.000đồng/1m2/năm, với số tiền này chỉ mua được 100kg gạo. Nếu tính về kinh tế, ngoài việc mất đất sản xuất, nông dân bị mất thu nhập khoảng 5 triệu đồng/sào ruộng/năm.

Ngoài 5 ha đất tại Bàu Đưng, hàng năm chân ruộng xung quanh bị bỏ hoang cứ tăng dần do mực nước càng ngày càng nâng lên và việc ruộng bị bỏ hoang trở thành nơi cư trú của các loại côn trùng có hại đã lây lan, phá hoại, gây ảnh hưởng xấu đến việc canh tác của những chân ruộng xung quanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu, cho biết: Tại Quan Châu có gần 20 hộ có ruộng bị ngập úng. Do ruộng bị ngập nước, phải bỏ hoang nên người nông dân tự chuyển đổi ngành nghề, người chuyển sang buôn bán nhỏ, người còn sức lao động đi làm phụ hồ, thợ nề… kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, việc chi hỗ trợ cho nông dân được thực hiện công khai vào tháng 12 hàng năm và do các cơ quan tại thành phố trực tiếp chi trả.

Theo chúng tôi, nguyên nhân gây ngập úng, nông dân phải bỏ hoang cánh đồng hơn 5 ha tại Bàu Đưng là do quá trình thi công khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ không được khảo sát kỹ lưỡng và thực hiện không đúng kỹ thuật gây ra. Tuy nhiên, vì lý do gì đi chăng nữa nhưng việc làm này đã ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân và hàng năm ngân sách thành phố phải mất đi một khoản không nhỏ để hỗ trợ cho người dân và mong các dự án sớm triển khai để Nhà nước và nông dân hết... chịu thiệt.

M.T