Dấu ấn 20 năm Văn học Đà Nẵng

Thứ sáu, 03/02/2023 13:50
Tác phẩm Văn học đoạt giải (2001-2021), Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 1-2023, dày 620 trang, khổ 16x24cm. Sách do Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn Đà Nẵng biên soạn, gồm các tác phẩm thơ văn tiêu biểu của 44 tác giả đã nhận các giải thưởng uy tín, danh giá của trung ương và địa phương 20 năm qua. Lời giới thiệu: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tranh bìa: Văn Sáng. Sách được Hội Nhà văn TP Đà Nẵng phát hành vào dịp đầu Xuân năm nay.
Tuyển tập “Tác phẩm Văn học đoạt giải 2001-2021”.
Từ trái sang: Nhà văn Trần Trung Sáng, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, nhà thơ Lê Minh Quốc

Trong tuyển tập này, bạn đọc sẽ có dịp gặp gỡ nhiều tác giả tiêu biểu từ thế hệ kháng chiến Pháp - Mỹ như: Lưu Trùng Dương, Phạm Phát, Nguyễn Văn Xuân, Đoàn Xoa, Hoàng Minh Nhân, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Ngân Vịnh… cho đến những gương mặt trưởng thành sau 1975 như: Lê Anh Dũng, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Kim Huy, Đinh Thị Như Thuý, Trần Tuấn, Nguyễn Thị Anh Đào… Trong đó, có cả một số tác giả đã mất, không kịp chia sẻ niềm vui ngày ra mắt sách như: Nguyễn Văn Xuân, Lưu Trùng Dương, Đoàn Xoa, Phụng Lam, Hoàng Minh Nhân, Đà Linh, Đỗ Xuân Đồng, Bùi Tự Lực, Hoàng Tư Thiện.

Ở mảng thơ, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Tất cả những nhà thơ xuất hiện trong tuyển tập này tôi đều đã đọc họ từ trước cho dù người đọc nhiều, người đọc ít. Đấy là những nhà thơ làm nên chân dung thơ ca Đà Nẵng và làm nên một phần quan trọng của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Các nhà thơ trong tuyển thơ văn được giải thưởng của Đà Nẵng trong 20 năm qua đã tạo ra con đường thơ ca đầy sống động, đa dạng, mang chiều sâu triết lý… Họ đã làm mờ mọi ranh giới thông thường của địa lý và thời gian để tạo ra sự mênh mông của cảm xúc, sự đa nghĩa của ngôn từ, sự biến đổi của thi pháp và tạo nên những tầng lớp triết lý nhân sinh”. Điều đáng ghi nhận đầu tiên, trong mỗi sáng tác của họ, hầu hết đều để lại những dấu ấn đặc sắc của thành phố bên sông Hàn - miền quê hương nắng gió khắc nghiệt đang từng bước đổi thay hiện đại và tráng lệ: “Một trăm mười bảy năm trời/ Ta đã làm nên chiến thắng/ Xuân nay ta về Đà Nẵng/ Nghe từng con sóng reo vui…/Ta sẽ giữ gìn Đà Nẵng/ Hơn giữ gìn chính đời ta/ Ta sẽ dựng xây Đà Nẵng/ Một thành phố biển nguy nga…(Bài ca người Đà Nẵng - Lưu Trùng Dương). Hay: “Thành phố của tôi hối hả suốt ngày đêm/ Từ lòng đất xục xịch ngoi dần lên những công trình mới/ Người xa thân yêu ơi, mỗi lần trở lại/ Ngỡ ngàng nhìn phố lạ, phố quen!” (Đà Nẵng của tôi- Nguyễn Văn Tám). Và: “Ta đi trên đường vòng cung ôm biển lớn/ Hương sen Liên Chiểu ngắt bờ xa/ Mỗi con sóng trùng dương vỗ vào lòng Tổ quốc/ Buốt lời đau gan ruột Mẹ Hoàng Sa/ Em có nghe lời dòng sông soi bóng vua Lê/ Và tiếng chuông chiều thuần lương động vọng/ Trái tim son lấp lánh bóng quê nhà” (Dưới bóng quê nhà - Nguyễn Hoàng Thọ)…

Không ít các cây bút nữ cũng đã góp mặt làm nên chân dung Thơ Đà Nẵng giai đoạn này, như: Vạn Lộc, Võ Kim Ngân, Phan Hoàng Phương, Thụy Sơn, Đinh Thị Như Thúy. Đôi khi ở nơi họ chỉ là tiếng thở dài lặng thầm, cô độc: “Ngày lệch dấu/ Con ốc dúi mặt cuộn mình/ trong lớp vỏ/ Người đàn bà giấu cô đơn luồn vào khuy áo/ Sông buồn gì? Dúi mặt vào đêm…” (Sông buồn gì dúi mặt vào đêm - Thụy Sơn). Đôi khi lại là một phản kháng mạnh mẽ, không khoan nhượng: “Nơi đây. Đu quay chưa bao giờ quay.Vòng ghế tròn như cánh quạt của chiếc cối xay gió khổng lồ. Cô đơn. Sừng sững. Han gỉ rồi mục ruỗng. Sừng sững phô bày trọn vẹn sự cay đắng và đau đớn của một sinh thể chưa sinh ra đã chết. Chưa được sống đời sống của mình” (Một công viên xây mãi không thành/ Đinh Thị Như Thúy). Ngoài ra, tuyển tập còn có mảng thơ dịch thuật từ thơ Tagore của Bùi Xuân và thơ song ngữ của Mai Hữu Phước (Trần Minh Hiền dịch sang Anh ngữ).

Tuyển tập “Tác phẩm Văn học đoạt giải 2001-2021”.

Ở mảng văn xuôi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nêu nhận định: “Đọc những trang văn xuôi trong tuyển tập là tôi đã đi qua một thời gian dài về những gì đã, đang diễn ra trên mảnh đất này… Mỗi chương tiểu thuyết, mỗi truyện ngắn, mỗi ghi chép, mỗi tản văn mà các nhà văn đã kể lại bằng sự sáng tạo khác biệt của mình đã cho người đọc thấy được một Đà Nẵng ở bên trong những ngôi nhà. Hay nói cách khác là một Đà Nẵng của những số phận người khác nhau, của những thăng trầm và những biến cố lịch sử của thời đại. Biết bao câu chuyện và bao số phận mà nếu không có nhà văn thì người đọc không bao giờ biết được. Biết bao điều kỳ diệu trong cuộc sống ẩn chứa trong những chuyện thường nhật được hiển lộ bởi quyền năng của văn học. Đời sống rộng lớn và thẳm sâu như biển cả. Và tôi vẫn nghĩ các nhà văn Đà Nẵng là những con sóng bền bỉ kể về đại dương vô tận của đời sống ấy”.

So với thơ, số lượng các tác giả văn xuôi có phần ít ỏi. Tuy nhiên, mỗi tác giả hiện diện trong tuyển tập đã gần như đại diện các đề tài chuyên biệt khá phong phú, rõ ràng. Chẳng hạn, các nhà văn Quế Hương, Bùi Tự Lực, Trần Trung Sáng với các truyện ngắn quen thuộc dành cho thiếu nhi; Nguyễn Văn Xuân, Lê Khôi, Vĩnh Quyền... là những tác giả được biết đến với đề tài lịch sử; Thái Bá Lợi, Phạm Phát… gắn liền với các tác phẩm chiến tranh cận đại; Bùi Văn Tiếng, Trương Điện Thắng, Bùi Công Dụng với các ký sự về đề tài xây dựng, phát triển Đà Nẵng xưa và nay…

Nhìn chung, qua tuyển tập này, bạn đọc sẽ có dịp tiếp cận một cách khá đầy đủ sự hình thành và phát triển Văn học Đà Nẵng trong suốt 20 năm qua. Tuy chặng đường ấy không dài lắm, nhưng có thể khẳng định, các tác giả có mặt ở đây đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện tính kế thừa xây dựng lịch sử Văn học không chỉ của Đà Nẵng mà của cả nền Văn học Việt Nam.

Trần Trung Sáng