Triển lãm mỹ thuật Khu vực V Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 18:

Dấu ấn đổi mới và sáng tạo

Thứ tư, 21/08/2013 09:31

(Cadn.com.vn) - Với 243 tác phẩm của 215 tác giả, đến từ 9 tỉnh, thành phố trong khu vực (Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Gia Lai, Quảng Nam), Triển lãm mỹ thuật Khu vực V Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 18 diễn ra từ ngày 18 đến 27-8 tại 78-Lê Duẩn, Đà Nẵng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, chất lượng các tác phẩm tham dự triển lãm năm nay khá đồng đều, xuất hiện nhiều gương mặt mới, nhiều sáng tạo mới. Qua đó, Hội đồng Mỹ thuật Việt Nam đã công bố 9 tác phẩm đoạt giải gồm 2 giải B, 2 giải C và 5 Tặng thưởng, không có giải A.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng cho biết: "Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng đăng cai tổ chức Triển lãm mỹ thuật khu vực V sau khi tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Trước đó, hoạt động mỹ thuật nói riêng, các loại hình nghệ thuật tại TP nói chung rất sôi động, nên triển lãm năm 1997 diễn ra rất thành công, được giới chuyên môn đánh giá cao, đông đảo người dân hưởng ứng. Do vậy, sự trở lại của triển lãm lần này có ý nghĩa rất đặc biệt, không chỉ vì lý do đã quá lâu Đà Nẵng mới đăng cai triển lãm khu vực. Quan trọng hơn, triển lãm diễn ra trong những ngày Đà Nẵng đang rất khí thế với nhiều hoạt động kỷ niệm 10 năm Đà Nẵng trở thành đô thị loại I, chúng tôi hy vọng cuộc triển lãm sẽ tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng".

Nhìn chung, dù đến từ các địa phương khác nhau, nhưng phần lớn nội dung, chủ đề của các tác phẩm tham dự triển lãm lần này đều phản ảnh đậm nét cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, con người miền Trung trong lao động, tranh phong cảnh, cùng  một số tác phẩm sáng tác về Bác Hồ, biển đảo quê hương... Trước khi triển lãm giới thiệu đến công chúng, qua các cuộc xét duyệt của Hội đồng chuyên môn, BTC đã có đánh giá chung về sự dồi dào số lượng, tươi mới về chất lượng do có sự tham gia của nhiều tác giả trẻ. Tuy nhiên, theo quy chế, mỗi hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam vẫn phải hạn chế gửi từ 1-2 tác phẩm dự triển lãm; Hội viên hoặc chưa hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương chỉ được gửi 1 tác phẩm, đồng thời, đây là những sáng tác từ tháng 8-2012 đến tháng 7-2013 và chưa từng dự một cuộc triển lãm, trưng bày nào trước đó.

Tình Bác (tượng thạch cao) của Lê Huy Hạnh...

Ngay ở tầng trệt, phần trưng bày dành cho Đà Nẵng, người thưởng ngoạn nhận thấy, các tác phẩm hội họa thể hiện qua nhiều thể loại đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng... với rất nhiều màu sắc tươi trẻ, nhộn nhịp. Cảm hứng chung của các sáng tác vẫn là sự phản ánh những đổi thay, những thành tựu nổi bật của Đà Nẵng từ khi trở thành TP trực thuộc Trung ương, đô thị loại I. Những cây cầu mang niềm tự hào của thành phố biển sẽ có một vị trí đặc biệt tại triển lãm lần này. Bộ mặt nông thôn mới Hòa Vang cũng là nội dung chủ đạo của các tác phẩm đến từ Đà Nẵng. Có thể dẫn chứng điều này qua một số tác phẩm như: Nắng mùa hạ (sơn dầu) của Hoàng Đặng, Người Việt Nam (khắc gỗ) của Tường Vinh, Đà Nẵng xưa và nay (sơn dầu) của Nguyễn Trọng Dũng, Nét xưa (tổng hợp) Nguyễn Thị Dư Dư, Hạnh phúc của mẹ (khắc mê ca) của Huỳnh Thị Thảng, Quà của biển (acrylic) của Thân Trọng Dũng, Sông Lành (sơn mài) của Đặng Công Tuân, Làm đẹp cho đời (Lụa) của Hồ Đình Nam Kha. Lắng nghe đọc báo (sơn dầu) của Trần Đức Hùng, Âu thuyền Thọ Quang  (khắc gỗ) của Trường Nguyễn Nguyên Kha...

Ở tầng 2 và tầng 3 là phần trưng bày của các địa phương lân cận cũng thể hiện sự phong phú, bứt phá của các họa sĩ trẻ. Trong đó, những địa phương có phong trào mạnh như Khánh Hòa với 50 tác phẩm mang tính thời sự, đậm hơi thở cuộc sống của nhiều họa sĩ tham gia gồm: Thanh Hồ, Nguyễn Hữu Bài, Lê Trí, Lê Văn Duy, Trần Hà, Bùi Văn Quang, Tôn Thất Anh, Lê Vũ, Kinh Dinh, Trần Văn Thanh, Nguyễn Đức Linh, Vũ Hồng Linh, Nguyễn Mạnh Tiến... Phú Yên,  Quảng Nam, Đắc Lắc... cũng tham gia nhiều tác phẩm, trong đó, tác phẩm Hồn quê (sơn dầu) của Huỳnh Cao Trung, Nơi bắt đầu sự sống (khắc gỗ) của Nguyên Huy Lộc... được đánh giá cao.

"Bản sắc", chất liệu sơn dầu của tác giả Đinh Thị Mỹ Hương.

Đặc biệt, ở mảng điêu khắc, lần này xuất hiện nhiều tác phẩm với sự xuất hiện của nhiều tác giả trẻ đem lại nhiều màu sắc tươi mới, phong phú cho triển lãm. Điển hình như các tác phẩm: Tình biển (tượng gỗ) của Nguyễn Thanh Bình,  Tình Bác (tượng thạch cao) của Lê Huy Hạnh...

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Triển lãm mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 18 nêu nhận định, có thể nhìn thấy trong các sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ tuổi là sự đổi mới cả về nội dung đề tài lẫn cách thức biểu hiện. Đó là nỗ lực bứt phá, đi tìm cái tôi bên trong, thay vì phản ánh hiện thực bên ngoài như lối sáng tác truyền thống...

Điều đáng mừng, kể từ dịp triển lãm lần này,  theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng, nhằm tạo vốn thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (dự kiến xây dựng giai đoạn năm 2015- 2020), TP có chủ trương thông qua triển lãm để gặp gỡ, mua lại các tác phẩm mỹ thuật có giá trị, đồng thời kêu gọi các tác giả đóng góp vào việc xây dựng bảo tàng thông qua việc hiến tặng một số tác phẩm của mình.

Trần Trung Sáng