Dấu chấm hỏi

Thứ ba, 12/08/2014 06:56

(Cadn.com.vn) - Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội, hiện có 13.000 trẻ mồ côi, tàn tật, nhiễm HIV, lang thang, cơ nhỡ... Trong số đó, chỉ có trên 1.000 cháu đang được nuôi dưỡng, học tập ở 11 trung tâm bảo trợ xã hội. Có vài câu hỏi đặt ra từ con số này: Ngoài 1.000 cháu đang được nuôi dưỡng, 12.000 đứa trẻ khác ở Hà Nội đang sống thế nào?

Ngoài Hà Nội, con số thống kê của các địa phương khác cụ thể ra sao? Có vẻ như, sau khi vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề (Hà Nội) vỡ lở, từ đây, một vấn đề xã hội đã bắt đầu được nhìn thấy rõ hơn, đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm của cấp thẩm quyền.

Những ngày qua, hẳn không ít người cố tình nghe ngóng xem Bộ LĐ-TB&XH, là cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề nêu trên, xem có một phát ngôn nào của ai đó đủ thẩm quyền, trách nhiệm tương xứng với “độ nóng” của vấn đề hay không.

Tiếc rằng, ngoài một vị Cục trưởng đề cập khía cạnh pháp lý trong vụ chùa Bồ Đề thì chưa có động thái nào đủ tầm bao quát, toàn diện hơn, tức là không chỉ xem xét một vụ việc mà xem xét cả một vấn đề đang đặt ra hiện nay.

Ở cấp thấp hơn, một vị cán bộ lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội khi trả lời báo giới, đã nói thế này: Còn nhiều trẻ đang lang thang, kiếm sống trên các tuyến phố, ngõ hẻm hay gầm cầu, góc chợ bằng đủ thứ nghề như đánh giày, rửa bát thuê, bán vé số, bốc vác, ăn xin...

Vị này đã mô tả rất chân xác. Nhưng, nếu chỉ có mô tả không thôi thì đâu cần đến lãnh đạo; biết đâu, những người bình thường nhất cũng có thể mô tả được cuộc sống xung quanh họ. Cái người dân cần, những đứa trẻ đang vật vờ giữa dòng đời kia cần, là tài năng và trách nhiệm xử lý vấn đề của những người lãnh đạo.

Biết rằng, mọi sự so sánh đều bất cập, nhất là so sánh về văn hóa, thế nhưng nó cũng có thể giúp người ta thấy sự khác biệt trong tiếp cận vấn đề. Báo chí đã nhiều lần đưa tin rằng, ở đâu đó, nhất là ở nước ngoài, mỗi khi xảy ra sự cố lớn, những người có trách nhiệm hoặc là công khai đứng ra xin lỗi người dân, hoặc từ chức.

Ở ta, văn hóa xin lỗi và từ chức chưa phổ biến lắm, nên đưa ra đòi hỏi đó có vẻ hơi cao. Ấy thế nhưng, người dùng thuế của nhân dân đâu phải đã hết cách thể hiện mối quan tâm, trách nhiệm của mình?

Một nhạc sĩ tài hoa cũng đã mô tả thế này. “Đêm khuya, bên hè vắng, đứa bé mồ côi đang nằm co ro, như dấu chấm hỏi, đặt giữa cuộc đời”. Không rõ, có bao nhiêu dấu chấm hỏi đêm nay sẽ lại hiện ra ở những góc chợ, xó đường, bãi đất hoang nào đó...

Không ai biết được điều đó, nhưng chắc chắn rằng, đáp lại câu hỏi “bao nhiêu” chắc chắn sẽ là con số không hề nhỏ. Hàng trăm hàng nghìn dấu chấm hỏi như thế đang từng phút từng giờ đặt ra cho xã hội hôm nay, nhất là cho những người được trả lương để giải đáp chúng.

Thường Dân