Đau đầu với "mũ tặc"

Thứ ba, 03/09/2013 10:12

(Cadn.com.vn) - Bị cướp, mất trộm tài sản lớn, cơ quan chức năng các địa phương còn có thể thống kê được số vụ, còn tài sản nhỏ như mất chiếc mũ bảo hiểm (MBH) thì thật hiếm có nơi nào thống kê được để đánh giá, bởi người bị hại hầu như không trình báo. Còn hành vi trộm cắp MBH của kẻ gian không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ xử lý hành chính nếu bị bắt, nên "mũ tặc" xem thường pháp luật, bạo gan tung hoành...

Phát điên vì mất mũ

Năm 2007, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi xe máy chính thức đi vào cuộc sống và được các cấp, các ngành, nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhưng cũng từ đó, tài sản MBH đã trở thành những "miếng mồi" béo bở cho dân "đạo tặc". Dù giá trị tài sản không cao, mất đi có thể mua lại ngay lập tức, nhưng điều làm vô số người ấm ức, tức sôi tiết là chiếc mũ của mình bị "bay" mất đúng vào lúc "nước sôi lửa bỏng".

Buổi chiều thứ bảy giữa tháng 8-2013, anh Hoàng Văn D. (trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) - nhân viên một Cty phần mềm đến thăm người bạn điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng thì lãnh đạo điện thoại "điều" gấp đi cài phần mềm cho một Cty trên đường Điện Biên Phủ. Anh D. lật đật quay trở ra nhà xe thì phát hiện chiếc MBH của mình ngoắc bên hông xe đã "không cánh mà bay". Rối tung đầu vì không thể điều khiển xe đầu trần, anh D. đành cuống cuồng tìm thuê bác xe thồ với giá 30.000 đồng chở tới đường Lê Duẩn tìm mua lại chiếc MBH khác 150.000 đồng rồi mới quay lại bệnh viện lấy xe tiến hành làm công việc lãnh đạo đơn vị giao. Sau vụ mất mũ, anh D. chỉ biết tự trách mình thiếu cẩn thận, để kẻ gian lấy mất.

Những chiếc MBH mà người dân mất cảnh giác khi dựng xe trên vỉa hè là "miếng mồi" ngon cho bọn "mũ tặc".

Trường hợp chị Nguyễn Thị L. (trú P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu) gặp phải sáng 25-8 khi đưa tiễn người nhà là em trai Nguyễn Thanh T. và cháu Nguyễn Thị H. lên bến xe về quê Đồng Nai cũng lâm cảnh tức đến sôi tiết. Còn hơn 1 giờ đồng hồ xe mới chạy nên chị L. đưa em và cháu tạt vào quán ăn trên đường Nguyễn Tri Phương lót dạ tô bún. Khi tính tiền xong, 2/3 chiếc MBH chị treo ngoắc bên hông xe dựng ở vỉa hè đường đối diện quán ăn đã bị kẻ gian "mượn" mất. Lo sợ lỡ chuyến xe, chị L. không thể đi mua mũ mới để đưa tiễn người nhà, đành phải gọi taxi để anh T. và cháu H. lên bến xe.

Không còn là chuyện nhỏ

Với mức giá không cao, chỉ cần trên dưới 100.000 đồng có thể mua được một chiếc MBH mới nếu bị mất, nên nhiều người cho đó là chuyện nhỏ, song vấn đề thực ra không nhỏ chút nào. Thực tế, chuyện mất MBH đang trở thành một vấn nạn, cần phải có sự cảnh giác cao độ của mỗi người dân. Người có điều kiện về kinh tế mất chiếc mũ mua lại không khó, nhưng với người lao động phổ thông, gia đình khó khăn, số tiền đó có thể lo chợ cho cả nhà 1-2 ngày. Bức xúc nhất là khi bận công việc gấp, sự cố mất mũ có thể làm lỡ biết bao nhiêu chuyện đại sự.

Trong công việc của mình, khi tham gia giao tiếp ngoài xã hội hoặc tiếp xúc với người thân, có thời điểm chỉ một tháng trời, tôi được nghe cả vài chục người bị hại ca thán vừa mất MBH phải mua lại. Người mất ở trường học, bệnh viện, công viên, chợ, có người bị mất ngay trong công sở Nhà nước hoặc nhà xe đơn vị mình đang công tác, nhưng nhiều nhất vẫn là khu vực vỉa hè. Dựng xe ở vỉa hè vào nhà người thân hay ăn uống, ghé Cty, cửa hàng nào đó mua sắm... chỉ cần vài giây đồng hồ sơ sẩy, lập tức chiếc MBH "bay". Còn với những tay "đạo tặc" MBH, mánh làm ăn này đang kiếm được khoản lợi nhuận không nhỏ. Thậm chí có kẻ lân la ven đường một ngày có thể "chôm" được cả vài chục chiếc mũ, mà toàn là mũ tốt, chính hãng như Protec, Andes, GRS... hay thương hiệu mũ Sơn vốn được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá lên tới vài trăm ngàn đồng/chiếc. Trộm được mũ, các đối tượng "mũ tặc" có bán đổ bán tháo cho cửa hàng MBH cũ cũng kiếm được mỗi chiếc 50-80 ngàn đồng.

Bảo vệ một Cty bán giày dép trên đường Ông Ích Khiêm kể chuyện "đạo tặc" MBH rằng, chúng thực hiện hành vi nhanh như diễn viên đóng phim hành động. Vài tháng trở lại đây, có 4-5 đối tượng sử dụng xe máy cứ lượn đi lượn lại quanh các cửa hàng kinh doanh trên trục đường này, hễ thấy người nào sơ hở, chúng lập tức tấp xe vào, sau đó một đối tượng vờ vào cửa hàng, Cty giả mua đồ, còn một người ở ngoài trông xe. Chỉ chừng 15-30 giây, khi người bên ngoài lấy được mũ ngoắc qua xe của mình lập tức ra hiệu cho đồng bọn rời khỏi cửa hàng lên xe tẩu thoát. Cứ như vậy, chúng đi hết điểm này đến điểm khác để kiếm ăn mà ít khi bị người đi đường hoặc chủ cửa hàng, người bị hại phát giác. Lặp đi lặp lại nhiều lần, anh bảo vệ chỉ còn biết nhắc nhở người mua hàng mỗi khi vào Cty mình hoặc cửa hàng lân cận chứ không dám hô hoán vì sợ bị trả thù.   

Tôi đặt câu hỏi với một số đơn vị CAP rằng: Trường hợp người bị mất MBH có bao giờ tới cơ quan CA báo mất không? Hầu hết câu trả lời tôi nhận được từ CBCS CAP là: Chuyện nghe người dân ca thán mất MBH thì vô số, nhưng báo mất thì cả năm chỉ một vài trường hợp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người mất mũ cũng chẳng ai muốn báo CA, bởi thà bỏ tiền ra mua mũ mới chứ đi báo không biết có tìm lại được hay không mà lại phải viết báo cáo tường trình càng thêm mệt! Vì thế, trong những lần phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, CA các địa phương thường nhấn mạnh đến hành vi trộm cắp MBH để người dân đề cao cảnh giác.

Riêng với cánh "mũ tặc", có lẽ nắm biết được hành vi trộm mũ nếu bị bắt thì chỉ bị xử lý hành chính nên cứ làm tới. Vậy nên, chuyện cảnh giác của người dân là hết sức quan trọng, cần phải đề phòng để tội phạm trộm MBH hết đất sống, giúp ngăn ngừa loại tội phạm này đang lộng hành ngang ngược...

Công Hạnh