Dấu hiệu thổi giá bất động sản Nam Đà Nẵng

Thứ bảy, 06/05/2017 11:11

(Cadn.com.vn) - Thông tin dự án Làng đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “cắt treo” đã kích thích hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) tại khu vực này, một lần nữa đặt ra vấn đề nhức nhối bấy lâu nay. Đó chính là tình trạng “thổi giá”  và đẩy cơ hội sở hữu nhà đất ra khỏi tầm tay người lao động, công nhân, viên chức... thực sự có nhu cầu.

Trên nhiều con đường ở vùng giáp ranh, hình ảnh rao bán nhà đất tràn lan trên tường nhà, trụ điện, mỗi dải phân cách, hàng cây xanh như “ma trận” làm hoa mắt mọi người. Điển hình, dọc đường Trần Đại Nghĩa đoạn tiếp giáp Đà Nẵng – Quảng Nam, đường Văn Tiến Dũng, các con đường nội bộ phía trong khu dân cư các bảng hiệu quảng cáo mua – bán nhà đất dựng, treo khắp nơi. Có đoạn chỉ khoảng 100m nhưng có hàng chục bảng hiệu chào mời khách hàng, nào là bán đất giá rẻ, cần mua đất, nhận ký gửi, bán đất trả góp,... thậm chí có dịch vụ dựng bảng che khắp cả mặt tiền và lối vào bên trong.

Lần theo bảng quảng cáo đất giá rẻ từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/lô, được trả góp theo tháng của một dịch vụ địa ốc H. trên đường Trần Đại Nghĩa chúng tôi vào gặp “cò đất" tên K. ngay lập tức K. mời chào, giới thiệu rất chu đáo. Khi đặt vấn đề cần mua 1 lô đất khoảng 100 đến 150 triệu đồng thì K. lập tức cho biết: “Bên em rao như vậy để “câu” khách thôi chứ... giá đó là cách đây 2 năm rồi! Anh muốn mua em giới thiệu cho một số khu vực gần đây có giá khoảng 430 triệu đồng/lô, còn nếu anh muốn mua đất khoảng 230 triệu đồng thì chỉ có khu vực chưa giải tỏa chờ giải tỏa đền bù thôi!”.

Quán cơm kiêm dịch vụ mua bán nhà và đất.

Bảng hiệu quảng cáo rao bán đất phủ kín dịch vụ địa ốc trên đường Trần Đại Nghĩa.

Tương tự, chúng tôi đến một dịch vụ địa ốc V.M khác trên đường Văn Tiến Dũng, cò đất tên V. cho biết: “Trước đây tôi làm nghề xe ôm khu vực chợ Điện Ngọc nhưng chỉ kiếm mỗi ngày 100 ngàn đồng, may mắn thì được 200 ngàn đồng không đủ tiền lo cho con ăn học. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, BĐS nơi đây bắt đầu sốt, nhà nhà đua nhau làm môi giới nên tôi quyết định dựng một ki-ốt dọc con đường này làm nghề môi giới BĐS và ai ngờ từ đầu năm đến nay, nhất là sau khi có thông tin dự án Làng đại học sẽ được khởi động lại hầu như ngày nào cũng có người đến giao dịch, mỗi tuần giao dịch thành công 1 đến 2 lô, cứ mỗi giao dịch kiếm được 5 – 10 triệu đồng”. Thậm chí để tạo sự tin tưởng, ông V. đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi chép danh sách hơn 4 người đến mua đất chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây và giá bán cũng nhích lên theo thời gian.

Một số dự án BĐS trên địa bàn Đà Nẵng và giáp ranh Quảng Nam, sau thời gian trầm lắng, giờ đã bắt đầu sôi động. So với cuối năm 2016, giá đất ở đã tăng đáng kể. Đơn cử, dự án khu đô thị số 3, số 4 Điện Nam – Điện Ngọc, năm 2016 mở bán chỉ có giá 2,3 – 2,7 triệu đồng/m2 thì nay giá đã lên đến 4,8 đến 5 triệu đồng/m2. Dự án phố chợ Điện Ngọc nay cũng có giá giao dịch từ 4,8 triệu đồng/m2; khu vực mặt tiền đường Văn Tiến Dũng, cuối năm 2016 giá 4,4 triệu đồng/m2 thì nay đã lên đến 7,5 triệu đồng/m2... Mới đây, hàng loạt dự án đều mở bán tại đây cũng có giá thấp nhất 4,1 triệu đồng/m2, như Khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc; Điện Ngọc - Điện Dương, SunRiver City, khu đô thị Coco River Garden, College Town Đà Nẵng...

Nhà đầu tư Lê Mười (Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, sau Tết Nguyên đán 2017, nắm được thông tin đất khu vực Quảng Nam tiếp giáp với Đà Nẵng có nhiều tín hiệu tích cực nên lập tức vào mua 1 lô 300m2 với giá 3,5 triệu đồng/m2 đến nay, qua 2 tháng đã có người trả giá 4,7 triệu đồng/m2 nhưng vẫn chưa bán. Theo nhà đầu tư Minh, giá đất nơi đây được “ăn theo” các dự án “khủng” như Làng Đại học, dự án đô thị FPT, dự án Cocobay, dự án Sreaton, VinaCapital... Bên cạnh đó, đây là khu vực được cho có hạ tầng khá thuận lợi, ven sông hướng biển, hạ tầng sẵn có, đồng thời với chiêu làm giá của nhà đầu tư và “cò đất” đã đẩy giá đất liên tục “leo thang” chỉ trong một thời gian ngắn. Cũng theo anh Minh, chính sự "nhảy múa" bất thường của giá đất khiến người mua nhà thận trọng hơn trong thời gian gần đây.

Thực tế cho thấy, sau một thời gian “nóng” bị đẩy giá, BĐS khu vực nơi đây đang tiềm ẩn rủi ro mà nếu nhà đầu tư không sáng suốt thì có khả năng trả giá khi gặp những thông tin không chính thức của giới môi giới BĐS.

Quang Minh

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký Văn bản 3073/UBND – SXD gửi CATP, Sở Xây dựng, Sở TT&TT và các cơ quan báo chí địa phương tăng cường kiểm tra kiểm soát, tuyên truyền nhằm chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản (BĐS) trên địa bàn thành phố. Theo đó, giao Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật thông tin về các dự án BĐS đã được UBND thành phố phê duyệt khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo Nghị định Chính phủ và các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trên Cổng thông tin điện tử thành phố và website Sở Xây dựng; giao Sở TT&TT, Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Báo Công an TP Đà Nẵng thường xuyên đăng tải thông tin khuyến cáo các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch, kinh doanh BĐS phải tìm hiểu kỹ thông tin, hồ sơ pháp lý dự án và quy định pháp luật có liên quan. Đặc biệt, Sở TT&TT có trách nhiệm kiểm tra và xử lý việc đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS khi chưa đảm bảo các điều kiện theo đúng quy định pháp luật. UBND TP giao CATP kiểm tra, xử lý theo đúng quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS của các cá nhân liên quan.

X.Đ