Đầu tàu phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Nguồn nhân lực thông minh và sự sáng tạo

Thứ năm, 19/07/2018 11:39

Ngày 18-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 – sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Ban Phát triển kinh tế tư nhân tổ chức tại Hà Nội.

Thủ tướng và các đại biểu tham dự diễn đàn.

Đây là lần thứ 8 chương trình được tổ chức với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”. Vietnam ICT Summit 2018 thu hút sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở trong nước và khu vực.

Tự đổi mới để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0

Phát biểu trước các diễn giả, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nội dung của Diễn đàn; cho rằng các chuyên đề thảo luận liên quan mật thiết đến nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử - một trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2018 – 2020, hướng tới năm 2025. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã bắt tay xây dựng Chính phủ điện tử ngay từ đầu những năm 2000, gắn với quá trình đổi mới thể chế và cải cách nền hành chính và đã có những kết quả nhất định. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã có những ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn đánh giá, việc triển khai còn rất chậm và không đồng đều, các kết quả đạt được chưa đáp ứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Còn nhiều tồn tại và bất cập trong triển khai Chính phủ điện tử như: Cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thiếu, hạ tầng thông tin có mức độ an toàn thấp, cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin còn bất cập, tốc độ xây dựng các cơ sở dữ liệu chưa được kết nối thông suốt; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn thủ công, giải quyết trên giấy tờ. Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 còn thấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm tổ chức tại Diễn đàn.

“Hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”

Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên Ủy ban là các Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công – tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng nêu rõ, với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “Hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”; “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết cần xác định rõ mục tiêu, hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.

Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đề nghị hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, chính sách nền tảng cho xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể là đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử cá nhân, tổ chức, hệ thống báo cáo điện tử, văn thư lưu trữ điện tử... “Muốn làm cách mạng thành công, trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng nói.

THU THỦY – TTXVN

-------------------------------------------------------------

Thủ tướng mong muốn các chuyên gia góp ý thẳng thắn về chính sách tài chính, tiền tệ

Chiều 18-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên họp định kỳ của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, 2 năm qua, kinh tế tăng trưởng tốt, trong đó 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Khẳng định Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia là một kênh thông tin hữu ích, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các chuyên gia góp ý thẳng thắn về những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính, tiền tệ để Chính phủ có kênh thông tin để xử lý giải quyết kịp thời hơn vấn đề này.

Đặt vấn đề với mức tăng trưởng như hiện nay và các kịch bản tăng trưởng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các chuyên gia đưa ra các nhận định về xu hướng của lạm phát trung, dài hạn; đồng thời đưa ra các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các chuyên gia của Hội đồng góp ý về việc hoàn thiện chính sách tài chính, thương mại của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhất là về xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, đầu tư nước ngoài…

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Hội đồng cần có các đề xuất về chính sách tỷ giá, lãi suất để vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hay các giải pháp để phát triển bền vững các thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Cùng với đó là những giải pháp để tạo động lực tăng trưởng; việc chuẩn bị các điều kiện để tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, từng ngành, từng lĩnh vực nào cần chú trọng hơn trong chỉ đạo điều hành để tăng trưởng bền vững, trong đó, Chính phủ cần làm gì, doanh nghiệp, người dân cần làm gì”?

Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng tham mưu, tư vấn về các vấn đề, các khía cạnh, nhìn nhận mới về các phương diện khác về điều hành kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thêm lựa chọn trong chỉ đạo điều hành.

P.V

-------------------------------------------------------------

Nội dung của Vietnam ICT Summit 2018 tập trung thảo luận theo 3 Chuyên đề chính, bao gồm: Chính phủ số, Kinh tế tố và Hạ tầng số. Theo đó, ở nội dung Chính phủ số, diễn đàn tập trung thảo luận việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, minh bạch, hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyền cấp độ cao cho người dân và doanh nghiệp. Trong nội dung kinh tế số: Thảo luận việc xây dựng môi trường kinh doanh số; lựa chọn các ưu tiên phát triển kinh tế số của Việt Nam (nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng...); thúc đẩy các nền tảng, mô thức kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo. Đối với nội dung hạ tầng số, diễn đàn tập trung thảo luận việc xây dựng các cấu phần của hạ tầng số phù hợp với chính phủ số và phát triển kinh tế số của Việt Nam như Hạ tầng thiết bị, Hạ tầng kết nối, Hạ tầng dữ liệu, Hạ tầng ứng dụng và Hạ tầng nhân lực.

T.T

-------------------------------------------------------------