Đấu tranh mạnh với tội phạm có tổ chức và chuyển hoá địa bàn trọng điểm, phức tạp
Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì điểm cầu trực tuyến Đà Nẵng. |
Chiều 23-3, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết Đề án Phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia (Đề án 02) và Đề án Chuyển hoá địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội (Đề án 03) đến năm 2020. Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ nhiệm Đề án chủ trì Hội nghị. Tại hội nghị, 19 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện 2 Đề án được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, những năm qua Đảng uỷ Công an Trung ương và Bộ Công an xem việc thực hiện 2 Đề án là nhiệm vụ đột phá trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tạo chuyển biến thực sự về ANTT ở địa bàn cơ sở. Lực lượng Công an nhân dân đã phát huy tốt vai trò tham mưu, nòng cốt trong thực hiện các đề án. Qua đánh giá, theo dõi chung, việc thực hiện hiệu quả 2 Đề án đã góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Hình sự, Bộ Công an cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, Ban chỉ đạo Đề án 02, Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với nhiều lực lượng chức năng khác trong công tác đấu tranh tội phạm có tổ chức (TPCTC) và tội phạm xuyên quốc gia (TPXQG). Kết quả sau 5 năm thực hiện Đề án từ 2016 đến 2020, lực lượng Cảnh sát hình sự đã tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, số vụ phạm pháp hình sự hàng năm liên tục giảm, tỷ lệ điều tra khám phá hàng năm đều tăng trên 80%. Theo đó, đã điều tra khám phá hơn 124.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý hơn 248.000 đối tượng; triệt xóa gần 7.000 băng nhóm, bắt xử lý giữ hơn 36.700 đối tượng. Tính đến cuối năm 2020, Công an các đơn vị, địa phương đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh làm tan rã 219/576 băng nhóm được đưa vào diện quản lý, đấu tranh. So với mục tiêu đề ra, việc thực hiện Đề án 02 đã làm giảm phạm pháp hình sự từ 3-5% so với giai đoạn trước; nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá án; triệt xóa, vô hiệu các băng nhóm tăng từ 10-20%.
Về kết quả thực hiện Đề án 03, ngay sau khi Đề án được ban hành, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị triển khai tại 3 khu vực tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các tỉnh, thành phố đã lựa chọn 1.951 lượt xã, phường, thị trấn điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội để thực hiện các giải pháp chuyển hóa địa bàn. Nhiều địa phương đã quan tâm lựa chọn địa bàn để chuyển hóa trên 15% tổng số đơn vị hành chính cấp xã. Tính đến tháng 6-2020, trong tổng số 1.951 lượt địa bàn được lựa chọn chuyển hóa đã có 1.256 địa bàn chuyển hóa, chiếm 64,38%.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đánh giá, Đề án 02 được thực hiện đã chủ động nhận diện và triệt phá nhiều tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là các đường dây mua bán ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Những kết quả đạt được đã góp phần làm kiềm chế, làm giảm sự gia tăng phức tạp của tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đối với Đề án 03, việc chuyển hóa thành công các địa bàn trọng điểm về TTATXH đã tạo bước chuyển biến thật sự ở địa bàn cơ sở, khẳng định chủ trương hướng về cơ sở trong công tác bảo đảm ANTT là đúng đắn, hiệu quả.
Thời gian đến, Thứ trưởng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đấu tranh với các loại tội phạm, TPCTC trong giai đoạn 2021-2025, kiên quyết không để tội phạm hoạt động, không để tội phạm lộng hành theo kiểu xã hội đen. Tiếp tục duy trì các địa bàn đã chuyển hóa và đưa thêm các địa bàn trọng điểm để chuyển hóa và tiến hành đấu tranh tội phạm theo chuyên đề. "Công an các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng: Nơi nào còn để các băng nhóm tội phạm hoạt động phức tạp, gây dư luận xấu thì lực lượng Công an nơi đó không hoàn thành nhiệm vụ. Thủ trưởng đơn vị Công an nơi đó chịu trách nhiệm về các vấn đề đó", Thứ trưởng Bộ Công an nhắc lại.
Thượng tướng Lê Quý Vương cũng chỉ đạo, Công an các cấp làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ; nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý Nhà nước về ANTT. Bên cạnh đó cũng tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để đấu tranh với các loại tội phạm. "Nhiệm vụ đảm bảo ANTT đặt ra cho lực lượng Công an rất nặng nề, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa, vừa tập trung chỉ đạo, vừa quyết tâm cao với tinh thần quyết liệt. Đồng thời, phải có các giải pháp đồng bộ và toàn diện", Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
MAI VINH
Đà Nẵng chuyển hóa thành công 10 địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự Bộ Công an cũng đã xác định Thành phố Đà Nẵng không thuộc 18 địa phương là tuyến, địa bàn trọng điểm cần tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Tuy nhiên, do tính chất là địa bàn du lịch, có nhiều điều kiện dễ bị các loại tội phạm lợi dụng hoạt động, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, trong giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 3-2021, Công an TP Đà Nẵng đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. Theo đó, 173 nhóm/747 đối tượng liên quan đến tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia được rà soát, đưa vào quản lý. Công an TP đã khám phá, triệt xóa, vô hiệu hóa 151 nhóm/681 đối tượng. Đối với Đề án 03, Công an TP Đà Nẵng đã rà soát, chọn 10 địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự để tập trung chuyển hóa là các phường Hòa Thuận Đông, Hòa Cường Nam, Phước Mỹ, An Hải Tây, Hòa Khánh Nam, Thạc Gián, Xuân Hà, Mỹ An, Hòa An và xã Hòa Liên. Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án, đã chỉ đạo, triển khai, tập trung mọi nguồn lực, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chuyển hóa địa bàn. Kết quả, đã chuyển hóa thành công 10/10 địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. |