Đầu tư bảo tồn nguồn gen bản địa quý hiếm

Thứ bảy, 19/12/2020 12:01

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa ký quyết định phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ khoa học công nghệ về quỹ gen tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu trọng tâm của Đề án là bảo tồn các nguồn gen thực vật bản địa, song song với đó là sử dụng các giá trị đa dạng sinh học cho phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe và giáo dục môi trường.

Theo Đề án, rừng tự nhiên ở Đắk Nông có hệ thực vật phong phú với gần 1.500 loài, trong đó có 80 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, một số loài có mức độ nguy cấp cả trong Sách đỏ Việt Nam lẫn Sách đỏ IUCN như: Xoài Đồng Nai, Gõ đỏ, Cẩm lai, Lan kim tuyến... Bên cạnh đó, theo nghiên cứu tài nguyên cây thuốc tại Đắk Nông vào năm 2019, toàn tỉnh có 255 loài cây thuốc được sử dụng bởi cộng đồng và được chia công dụng theo 21 nhóm bệnh khác nhau, trong đó có 15 cây thuốc quý hiếm. Hiện nay, tại Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung vẫn diễn ra tình trạng suy giảm về diện tích và chất lượng rừng. Nhiều loại thực vật quý hiếm bị khai thác, tận thu dẫn tới khan hiếm cả về chủng loại và số lượng, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo kế hoạch, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông sẽ điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu các loại thực vật tại các khu bảo tồn, rừng đặc dụng. Quá trình này sẽ ưu tiên cho các loại thực vật bản địa có tính chất đặc thù của địa phương. Trên cơ sở đó, ngành chức năng xây dựng bộ danh mục, bản đồ phân bố các loại thực vật, các nguồn gen cần được bảo tồn theo thứ tự ưu tiên. Tiếp theo, các đơn vị liên quan sẽ lên kế hoạch bảo tồn và quy hoạch các khu vực tự nhiên, nhân tạo phục vụ quá trình này. Các khu vực được ưu tiên là Vườn Quốc gia Tà Đùng, Vườn Quốc gia Yok Đôn (địa phận Đắk Nông), Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đray Sáp... Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 21 tỷ đồng.

HƯNG THỊNH