Đầu tư vào đâu có lợi nhất?
(Cadn.com.vn) - Bất động sản đang có dấu hiệu “ấm” lên nhưng chưa chắc chắn, trong khi đó kỳ vọng tỷ giá “đô” tăng, lãi suất tiết kiệm ngày càng thấp cùng với sự “lặng im” của giá vàng khiến người dân tiến thoái lưỡng nan trước các kênh đầu tư. Bỏ tiền vào đâu là an toàn, có lợi nhất đối với nguồn tiền nhàn rỗi trong thời gian tới?
Bất động sản khó tăng đột biến
Thống kê mới nhất từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), số lượng giao dịch bất động sản thành công tại các đô thị lớn Hà Nội và TPHCM trong tháng 4-2015 là 3.000 giao dịch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2014, tính chung 4 tháng đầu năm, đạt 12.000 giao dịch, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Liệu thị trường bất động sản tăng trưởng “đột biến” như những năm trước? Nhiều người hoài nghi cho rằng, “sốt ảo” đã trở lại? Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường bất động sản có dấu hiệu “ấm” lại thực sự sau hơn 6 năm đóng băng và bất động.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP có lý khi nói rằng, qua nhiều biến động của thị trường, đến nay, người tiêu dùng đã biết thẩm định các yếu tố, họ có đủ thông minh, tỉnh táo để quay lưng đối với những dự án bất động sản tăng giá bán bất thường, không hợp lý. Năm 2007, bất động sản còn sơ khai, người mua không có kinh nghiệm, gây ra hiệu ứng “đám đông”, nối đuôi, giành giật nhau để mua, thậm chí mua trên giấy, tạo nên khối “bong bóng” khổng lồ trên thị trường bất động sản. Giờ đây, với sự minh bạch của thông tin nhà đất, chính sách hoàn thiện, thị trường khó xuất hiện câu chuyện mua 1, lời gấp đôi, ba lần như những năm trước.
Theo quan sát, thị trường bất động sản hiện chỉ có một số điểm nóng “cục bộ”, giá có tăng nhưng chỉ dao động quanh giá trị thật. Mức giá nhà tăng 5%-10% do từ giữa năm 2014 trở về trước, các dự án bán lỗ sản phẩm, dưới giá thành để thu hồi vốn, nay giá bán tăng cũng chỉ trở về với giá trị thật của nó.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát, chi phí nhân công, vật liệu tăng lên, buộc chủ đầu tư phải tăng giá đối với các dự án đã triển khai. Do vậy, đối với kênh bất động sản, nhà đầu tư không nên “lướt sóng”, cần chú ý đến chất lượng, dịch vụ tiện ích của dự án. Nếu không, số tiền “bỏ” ra sẽ không hiệu quả, thậm chí thất bại lớn nếu đầu cơ, chờ giá lên.
Ký biên bản bàn giao sát nhập MHB Đà Nẵng vào BIDV Đà Nẵng ĐÀ NẴNG - Sáng 14-5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển - BIDV và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long - MHB chi nhánh Đà Nẵng tổ chức lễ ký kết biên bản bàn giao sáp nhập MHB vào BIDV. MHB Đà Nẵng là 1 trong tổng số 44 chi nhánh sẽ sáp nhập vào BIDV với toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, nhân sự và lợi ích hợp pháp cũng như công nợ theo quy định của pháp luật để đảm bảo mọi quyền lợi của khách hàng và sự ổn định trong hoạt động thông suốt của hệ thống. Theo đó, quy mô hoạt động của MHB Đà Nẵng hiện có 50 cán bộ, nhân viên; 1 trụ sở chính và 2 phòng giao dịch trên địa bàn TP với tổng dự nợ đến ngày 12-5 khoảng 382 tỷ đồng cùng các tài sản khác sẽ chuyển sang hoạt động theo quy định của BIDV. Theo lãnh đạo BIDV Đà Nẵng, kể từ ngày 25-5 tới, trụ sở và các phòng giao dịch của MHB Đà Nẵng sẽ trở thành 1 chi nhánh cấp I của BIDV và đổi tên thành BIDV Sông Hàn. Xuân Đương |
MHB và BIDV Đà Nẵng ký cam kết trước sự chứng kiến của lãnh đạo TP Đà Nẵng, NHNN Đà Nẵng và BIDV Việt Nam. |
“Giấc mộng vàng” tan vỡ
Đã có một thời gian rất dài, người ta chứng kiến giá vàng chỉ tăng lên chứ không hạ xuống. Tích trữ vàng, vì vậy, là giải pháp gần như hoàn hảo, vừa không sợ mất, vừa bảo đảm lợi nhuận. Thế nhưng, dường như đến nay “giấc mộng vàng” đã tan vỡ, với những diễn biến đầy khó lường, lúc lên, lúc xuống, lúc tiến, lúc lùi..., khiến cho ngay cả những khâu vàng tích trữ dưới chân giường cũng có phần chao đảo! Đến nay, các chuyên gian nhận định, vàng là tài sản tích lũy tốt nhưng không phải kênh đầu tư để sinh lời trong thời gian tới. Một số lý do khiến nhà đầu tư không còn “mặn mà” với vàng.
Trước hết, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạo sự ổn định cho thị trường vàng. Thứ hai, cung - cầu vàng đã gặp nhau nên thị trường trong thời gian qua không có nhiều biến động, kể cả lúc giá vàng tăng mạnh (mức giá cao nhất 37 triệu đồng/lượng hồi tháng 5-2014), người dân cũng không đổ xô đi mua hoặc đi bán vàng. Thứ ba, giá dầu đang diễn biến theo chiều hướng suy giảm, khi dầu giảm, giá vàng cũng sẽ bị kéo giảm theo.
Một vấn đề cần chú ý, đó là đồng USD đang chi phối thị trường tiền tệ thế giới, đồng thời diễn biến trái chiều với giá vàng. Thời gian tới, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất USD, giá vàng sẽ đi xuống, thậm chí có thể thấp hơn năm 2014. Hiện thị trường vàng trong nước không liên thông với thế giới, chênh lệch giá vàng đang rất cao, từ 4-5 triệu đồng/lượng. Do vậy,dù giá vàng thế giới tăng, nhà đầu tư vàng vẫn có thể thua lỗ như thường. Do vậy, kênh đầu tư vàng được coi là bấp bênh nhất trong các kênh đầu tư và không còn hấp dẫn như trước đây.
Gửi VND lợi hơn USD
Lãi suất tiết kiệm VND có xu hướng chững lại sau thời gian “tuột dốc”. Tại Đà Nẵng, lãi suất huy động tiết kiệm bình quân kỳ hạn 1 tháng là 4,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng 4,63%/năm, kỳ hạn 6 tháng 5,15%/năm, kỳ hạn 9 tháng 5,42%/năm và 12 tháng 6,11%/năm. So với trước đây, lãi suất tiết kiệm hiện rất thấp, một người gửi 100 triệu đồng suốt 1 năm, chỉ nhận được khoảng 6 triệu đồng lãi, nếu gửi kỳ hạn ngắn hơn (6 tháng), lợi tức thu về khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI 4 tháng đầu năm là 0,8%, dự đoán dưới 4% cho cả năm 2015), người gửi tiết kiệm vẫn không bị thiệt.
Sức ép giá “đô” vừa qua khiến người có tiền nhàn rỗi lo lắng, nếu tỷ giá USD tiếp tục tăng, VND bị mất giá, ảnh hưởng đến nguồn tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, theo một số giám đốc ngân hàng, thời gian tới, thị trường ngoại hối sẽ xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi cho tỷ giá như xuất khẩu tăng, đặc biệt kiều hối về nhiều.
Mặt khác, việc giữ tỷ giá để ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên dù muốn hay không, từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD sẽ được kiểm soát trong mức cam kết của Thống đốc. Điều này cho thấy, khả năng nâng tỷ giá nữa là thấp, nếu có biến động, mức điều chỉnh tăng thêm 1% là tối đa. Nói thế để thấy rằng, người có tiền nhàn rỗi không nên băn khoăn trước việc tiếp tục gửi tiết kiệm bằng VND trước sự biến động của USD.
Rõ ràng, trong giai đoạn hiện nay, dù lãi suất không còn cao như trước nhưng gửi tiền tiết kiệm bằng đồng Việt Nam vẫn là kênh đầu tư an toàn để cất giữ, tích lũy vốn tạm thời nhàn rỗi cho tương lai. Mặc dù khả năng sinh lời thấp nhưng nhờ tính thanh khoản cao, gửi tiết kiệm vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn được đa số người dân lựa chọn.
Văn Khoa