Dawaco đưa ra 2 nguyên nhân khiến hóa đơn tiền nước tăng đột biến

Thứ sáu, 15/05/2020 08:27

Ngày 14-5, Cty CP Cấp nước Đà Nẵng tiếp tục có văn bản gửi đến khách hàng và cơ quan thông tấn báo chí giải thích nguyên nhân hóa đơn tiền nước sinh hoạt của tháng 5 tăng đột biến. Đây là vấn đề được nhiều người dân Đà Nẵng quan tâm trong những ngày qua.

Công nhân Dawaco xử lý sự cố hư hỏng ống dẫn nước.

Văn bản phản hồi cho biết, Dawaco trong thời gian từ ngày 1-4 đến 15-4, đơn vị đã tạm dừng hoạt động một số công việc liên quan đến tiếp xúc khách hàng để thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19. Do kỳ đọc số trên đồng hồ của Dawaco là từ ngày 1 đến ngày 10 hàng tháng, nên kỳ đọc số của tháng 4-2020 không thực hiện được. Để có số liệu phát hành hóa đơn tháng 4-2020 cho khách hàng, tránh tình trạng dồn số, Dawaco đã tạm tính sản lượng dùng nước của khách hàng trong tháng 4-2020 bằng sản lượng của tháng 3-2020 đồng thời nhắn tin và thông báo bằng văn bản cho khách hàng sử dụng nước về việc tạm tính này. Tháng 5-2020 Cty thực hiện đọc chỉ số đồng hồ bình thường, nhân viên sẽ ghi thực tế trên đồng hồ của khách hàng và phát hành hóa đơn.

Sau khi tiếp nhận nhiều phản ánh, thắc mắc trong 3 ngày qua, Dawaco cho rằng có 2 nguyên nhân chính khiến hóa đơn tiền nước tháng 5 của nhiều người cao hơn so với tháng 4.

Theo giải thích của lãnh đạo Dawaco, do sản lượng trong tháng 4 là tạm tính bằng tháng 3 nên sẽ có một số khách hàng lệch ít hơn hay nhiều hơn so với thực tế sử dụng trong kỳ. Đa phần là nhiều hơn do đây là thời điểm người dân ở nhà trong thời gian cách ly xã hội, việc sử dụng nước sinh hoạt cũng tăng lên. Ngoài ra có trường hợp nợ tiền nước tháng cũ chưa thanh toán nên cộng dồn thanh toán qua tháng 5-2020, như trường hợp mà Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh. Khi thực hiện đọc số vào tháng 5, sản lượng nước khách hàng đã sử dụng nhưng chưa được tính vào hóa đơn tháng 4 sẽ gộp vào sản lượng của tháng 5. Chính vì vậy sẽ có hiện tượng cao hơn tháng 4 tạm tính, nhưng tính bình quân lại trong 3 tháng 3,4,5 thì lượng nước sử dụng mỗi tháng không có sự đột biến nhiều so với các tháng sử dụng trong thời gian trước đó. "Dawaco đã chủ động liên hệ xử lý và giải thích rõ ràng, kịp thời cho các trường hợp này và được khách hàng thống nhất đồng ý. Dawaco khẳng định việc phát hành hóa đơn tiền nước chính xác với sản lượng nước đã dùng của khách hàng", lãnh đạo Cty cho hay.

Một nguyên nhân khác khiến nhiều khách hàng phải thanh toán tiền nước cao hơn bình thường, theo Dawaco là do hệ thống cấp nước sau đồng hồ của có sự cố rò rỉ, xì vỡ đường ống hoặc hư hỏng van phao bể chứa sau đồng hồ mà chưa kiểm soát được dẫn đến thất thoát ngoài ý muốn dù không sử dụng vào sinh hoạt hoặc kinh doanh. Bình thường, khi nhân viên đọc chỉ số đồng hồ tại nhà, nếu phát hiện sản lượng tăng đột biến đều thông báo cho khách hàng tự kiểm tra hệ thống sau đồng hồ để phát hiện rò rỉ và khắc phục ngay trong tháng đó. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 nên nhân viên không ghi chỉ số đồng hồ mà tạm tính sản lượng bằng với tháng 3. Đến tháng 5, tiến hành ghi chỉ số đồng hồ tại nhà khách hàng thì các trường hợp xì vỡ này có thể đã kéo dài đến 60 ngày sử dụng, do đó sản lượng nước tháng 5 sẽ tăng gấp nhiều lần do nước đã thất thoát trong suốt thời gian trên qua các hệ thống ống nước xì vỡ trong nhà hoặc hệ thống van phao tự động trên bể chứa nước bị hỏng. "Tính đến thời điểm hiện nay, Dawaco đã nhận được đơn phản ánh và đã phối hợp kiểm tra 82 trường hợp khách hàng bị xì vỡ ống sau đồng hồ tại nhà khách hàng. Cty sẽ tiếp tục kiểm tra các trường hợp khác nếu có phản ánh", văn bản phản hồi của đơn vị này nêu rõ.

Để quản lý chính xác việc sử dụng nước trong nhà, cơ sở kinh doanh, Dawaco khuyến nghị khách hàng chủ động kiểm tra lại đồng hồ nước và hệ thống đường ống sau đồng hồ để phát hiện xì vỡ ống hoặc các nguyên nhân khác. Đến kỳ thanh toán tiền nước có thể đối chiếu chỉ số đồng hồ trên tin nhắn do Dawaco thông báo tiền nước với chỉ số đồng hồ hiện tại của mình. Trường hợp chỉ số đồng hồ tại nhà thấp hơn nhiều so với chỉ số đồng hồ trên tin nhắn thì có quyền liên hệ ngay với xí nghiệp cấp nước tại các quận để cùng nhau kiểm tra giải quyết theo thực tế. Cách để kiểm tra nước sử dụng có bị rò rỉ hay không, chỉ cần đóng tất cả các thiết bị dùng nước và nhìn vào đồng hồ. Nếu đồng hồ vẫn hoạt động thì hệ thống dẫn, chứa có bị xì vỡ hoặc hư hỏng.

Đơn cử về việc thất thoát nước dẫn đến hóa đơn tăng cao nhất trong đợt này là một cơ sở thẩm mỹ. Nhân viên Dawaco kiểm tra bể chứa đặt trên mái bê-tông của chủ cơ sở này và phát hiện bị hỏng van phao. Nước tràn qua bể, chảy ra sàn rồi theo đường ống thoát nước mưa xuống cống nước thải nên gia chủ không biết. Sản lượng nước của hộ này đã tăng vọt từ trung bình dưới 60m3 lên 168m3. Hiện chủ cơ sở cũng đã làm đơn xin hỗ trợ giảm tiền nước vì sự cố ngoài ý muốn. Để chia sẻ với người dân, Cty cổ phần cấp nước Đà Nẵng đã hướng dẫn khách hàng làm đơn đề nghị giảm tiền nước để được xem xét xử lý theo quy định về tình huống rủi ro.

Về giá nước hiện tại, Dawaco khẳng định không thay đổi và đang áp dụng mức giá nước như cũ theo quy định của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành từ năm 2014.

Công Khanh

>> Vì sao hóa đơn tiền nước nhảy vọt?