Dạy hè cho học sinh vùng cao
(Cadn.com.vn) - Ở Trường Tiểu học Tà Lu (xã Tà Lu, H. Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) có một lớp hè miễn phí dành cho học sinh lớp 1 dân tộc Cơ Tu. Người dân địa phương tỏ ra phấn khởi vì lần đầu tiên có thêm một lớp học đặc biệt như thế, bởi lớp học không chỉ giúp con em dân bản có điều kiện tăng cường tiếng Việt mà còn là một hình thức sinh hoạt hè bổ ích.
Trong cái nắng dịu mùa hè vùng cao, chúng tôi về thăm lớp học hè do các giáo viên nhà Trường tiểu học Tà Lu trực tiếp giảng dạy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc Cơ Tu theo học. Mặc dù học miễn phí nhưng lớp học ở đây được tổ chức theo chế độ, giờ giấc chính quy của nhà trường và được bố trí theo từng nhóm học sinh.
Cô giáo Lê Thị Vân Ly-Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lớp học được triển khai theo mô hình Trường học tiểu học mới (VNEN) và sở dĩ nhà trường có điều kiện tổ chức lớp học theo mô hình này bởi trong hai năm học qua được ngành GD&ĐT H.Đông Giang chọn thí điểm.
Lớp dạy hè cho học sinh đồng bào Cơ Tu chuẩn bị vào lớp 2 của cô giáo Đặng Thị Thảo Trường tiểu học Tà Lu. Ảnh: Đại Khải |
Nói về tình hình học tập của con em xã Tà Lu, cô Lê Thị Vân Ly tâm sự: "Học sinh đồng bào dân tộc Cơ Tu có tâm lý sẵn sàng cho hoạt động lao động hơn là hoạt động học tập. Đa phần các em đều có tâm lý nhút nhát, sợ hãi, ngại giao tiếp với người lạ, trong khi đó tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2 của các em nên đã tạo rào cản ngôn ngữ trong học tập và tiếp thu bài giảng của giáo viên.
Điều này được minh chứng từ thực tế trong nhiều năm học qua đã có những học sinh khi chuẩn bị vào lớp 1 nhưng vẫn chưa biết tiếng Việt, hay như học sinh lớp 2, thậm chí lớp 3 vẫn còn biết rất ít tiếng Việt, vì vậy chất lượng giáo dục của nhà trường luôn là vấn đề trăn trở của tập thể hội đồng sư phạm. Vì thế, lớp học hè được tổ chức không ngoài mục đích tăng cường tiếng Việt cho đối tượng học sinh lớp 1 chuẩn bị lên lớp 2".
Trực tiếp giảng dạy lớp học hè, cô Đặng Thị Thảo chia sẻ: "Thời điểm kết thúc năm học cũng là thời gian lớp học hè của học sinh dân tộc Cơ Tu bắt đầu. Sau gần 2 tuần tham gia lớp học theo mô hình trường học mới, học sinh đã quen dần với việc học theo nhóm và nắm bắt khá nhuần nhuyễn với các logo trong tài liệu, đặc biệt thông qua kiểm tra bài tập chúng tôi biết được các em đã biết cách tự học ở lớp, cũng như ở nhà".
Hiện lớp học có 24 học sinh và được tổ chức các ngày trong tuần với thời lượng 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, Trường Tiểu học Tà Lu không có điểm lẻ, nên đoạn đường học sinh đi- về sau mỗi ngày gần 10km (mỗi ngày 4 lượt đi- về) đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như khả năng tiếp thu bài vở của các em.
Cô Lê Thị Vân Ly thổ lộ: "Trước những khó khăn đó, nhà trường luôn mong muốn chính quyền địa phương cùng chung tay với ngành GD&ĐT hỗ trợ cấp kinh phí để Trường Tiểu học Tà Lu tổ chức ăn trưa cho học sinh vừa để duy trì số lượng học sinh, vừa từng bước nâng dần chất lượng dạy và học".
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách ưu đãi cho đời sống người dân đồng bào miền núi. Trên con đường quốc lộ 14G nối thành phố Đà Nẵng với xã miền núi Tà Lu, chúng tôi nhận thấy cuộc sống bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu đã có nhiều nét đổi thay. Điều này chứng tỏ mô hình phát triển kinh tế rừng đồi bà con dân tộc thiểu số vùng cao H. Đông Giang áp dụng triển khai trong những năm qua đã mang lại hiệu quả và là một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương.
Qua đó nhận ra rằng, một khi người dân có đời sống kinh tế ổn định thì chuyện học của con em địa phương cũng được quan tâm hơn, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, hay vất vả theo cha mẹ lên nương rẫy đã giảm hẳn. Và cùng đồng hành với cuộc sống người dân là hệ thống trường học được đầu tư xây dựng khang trang, dần dần thay thế những ngôi trường tạm bợ. Cùng với đó đội ngũ giáo viên ngày càng vững vàng về chuyên môn, vừa tận tâm với nghề, vừa tận tụy với học sinh đã tạo một luồng gió mới cho giáo dục miền núi.
Chia tay lớp học trong tiếng đọc bài nhịp nhàng vang lên giữa núi rừng Trường Sơn đã gợi lên trong chúng tôi về một mầm xanh tương lai được vun trồng trong tình thương yêu của những người giáo viên vùng cao, tiếp thêm nghị lực giúp học sinh dân tộc Cơ Tu vững bước tới trường.
Đại Khải