Dạy - học ngoại ngữ trong xu thế hội nhập
(Cadn.com.vn) - Việc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng quyết định đưa ngoại ngữ trở thành môn thi chính thức trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sắp tới phần nào nói lên được tính tất yếu cũng như vai trò, tầm quan trọng của môn học này trong xu thế hội nhập. Đây cũng có thể được xem là động thái nhằm thúc đẩy, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy - học ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay.
Bên cạnh đó, việc ấn định môn ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc còn có ý nghĩa chuẩn bị tâm thế cho các em HS phổ thông sau này bước vào kỳ thi THPT quốc gia được tốt hơn. Bởi, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 lần đầu tiên được tổ chức dưới hình thức “hai trong một”, ngoại ngữ đã được ấn định là một trong ba môn thi bắt buộc của 4 môn thi xét tốt nghiệp THPT.
Nhìn lại phổ điểm trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 vừa qua, ngoại ngữ là môn thi có phổ điểm khá thấp. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do đề thi ra không bám sát chương trình, nặng tính hàn lâm hay do chất lượng dạy-học môn ngoại ngữ ở bậc phổ thông có vấn đề? Thực ra, không phải đến thời điểm đó, chất lượng dạy - học môn ngoại ngữ trong các trường phổ thông mới được đem ra mổ xẻ. Từ trước đó, tại rất nhiều hội thảo, tập huấn chuyên ngành, vấn đề này đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ với nhiều ý kiến xác đáng... Thực tế cho thấy, có không ít người học không chuyên về ngoại ngữ, dù được đánh giá tốt về trình độ, năng lực học tập, nhưng do không đạt yêu cầu về ngoại ngữ nên đánh mất cơ hội được đi nghiên cứu sinh, bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài...
Tâm trạng của các em HS Đà Nẵng sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2015 (ảnh minh họa). |
Ai cũng hiểu mục tiêu hướng đến của việc dạy-học ngoại ngữ là để người học có thể sử dụng thành thạo trong giao tiếp với ngôn ngữ đã được học. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều HS có khả năng tốt về ngữ pháp, viết luận nhưng lại hạn chế trong nghe, nói và ngược lại... Nói rộng hơn, xuất phát điểm năng lực tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ của HS Việt Nam hiện chưa cao, chưa đồng đều. Theo đó, để nâng cao năng lực tiếng Anh cho người học không thể đòi hỏi ngay trong một sớm, một chiều, mà cần có một lộ trình chuẩn bị, đầu tư kỹ, từ việc đổi mới chương trình đến phương pháp giảng dạy lẫn các kỹ năng khác. Mặt khác, cần xác định rõ, so với các môn học khác, ngoại ngữ là môn học có tính đặc thù riêng, đòi hỏi người học ngoài sự cần cù, siêng năng cần có khả năng, năng lực ngoại ngữ. Nói khác hơn là phải có năng khiếu và đam mê với môn học này.
Mổ xẻ thêm có thể thấy, HS phổ thông hiện đang phải gánh trên mình một chương trình học quá nặng, quá tải và quá dàn trải. Điều này đã gây áp lực không nhỏ cho các em trong quá trình học tập. Theo đó, việc học đối phó môn học này đối với những HS không có năng khiếu, đam mê, không có dự định dự thi vào các ngành học thuộc khối D cũng là điều dễ hiểu... Bên cạnh ý thức và thái độ của người học đối với bộ môn này, cũng cần công tâm nhìn nhận rằng phương pháp giảng dạy, cách truyền đạt kiến thức của các giáo viên ngoại ngữ phổ thông chưa thật sự đều tay. Thế nên, việc giáo viên ngoại ngữ cần nâng cao hơn nữa phương pháp và khả năng truyền đạt kiến thức của mình đến với HS là điều không thể xem nhẹ.
Trong xu thế hội nhập, chẳng phải đợi đến lúc Bộ GD-ĐT có chủ trương đưa ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc, xã hội cũng đã quan tâm đến vấn đề này. Có nhiều phụ huynh đầu tư cho con trẻ đi học ngoại ngữ tại các trung tâm khi các cháu đang còn học tiểu học. Bởi ai cũng nhận thức được rằng, học ngoại ngữ là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện nay. Bằng chứng có thể thấy rõ nhất là cùng một bằng cấp xếp loại ngang nhau, nếu người lao động có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt thì cơ hội xin việc và tuyển dụng lao động sẽ cao hơn rất nhiều so với những người không có khả năng giao tiếp ngoại ngữ.
Có thể nói, việc ngành GD-ĐT TP đưa môn ngoại ngữ trở thành môn thi chính thức tính hệ số 1 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sắp tới là giải pháp nhằm từng bước, dần dần nâng cao năng lực dạy - học ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, để chất lượng dạy - học môn ngoại ngữ ngày càng tốt dần lên, ngoài việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, còn phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm, ý thức của cả người dạy lẫn người học. Để thay đổi cục diện chất lượng đối với môn học này cần phải có một quá trình thay đổi, phát triển theo hướng bền vững, không thể dạy - học theo kiểu “cấp tốc”, “ăn xổi” là được.
Khánh Yên