Dạy học sinh khuyết tật bằng cả trái tim

Thứ bảy, 06/12/2014 11:15

(Cadn.com.vn) - Trong một lần đến thăm một số lớp học có trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trường tiểu học số 2 Hòa Châu (thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu, H. Hòa Vang) nằm ở vùng ven thành phố Đà Nẵng, nghe những tiếng ú ớ đọc phát âm ngô nghê và hình ảnh cô giáo Trần Thị Thanh Nguyệt ân cần chăm sóc, chỉ dẫn hai em Huỳnh Ngô Minh Phương, Lê Đức Tín như một người mẹ hiền đã để lại trong chúng tôi rất nhiều cảm xúc.

Cô giáo Trần Thị Thanh Nguyệt 

Hơn 20 năm dạy các lớp học có học sinh khuyết tật học hòa nhập tại Trường TH Hòa Châu 2, cô giáo Trần Thị Thanh Nguyệt tâm sự: "Làm giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật cô luôn tâm niệm mình như là người mẹ của các em. Để dạy được các em, trước tiên mình phải tạo cảm giác gần gũi, phải thật sự có tình yêu thương, lòng kiên trì và nhẫn nại".

Qua trò chuyện với cô, chúng tôi thực sự mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của những giáo viên đảm nhiệm các lớp học có học sinh khuyết tật. Bởi để dạy tốt những lớp học đặc biệt này, người giáo viên không phải chỉ có lòng kiên trì, tính nhẫn nại, mà cần bình tĩnh để dạy trẻ từ những việc nhỏ nhất, đồng thời còn phải biết lắng nghe, chia sẻ suy nghĩ với trẻ. Với những trẻ khuyết tật, giáo viên vừa là người dạy chữ, vừa là người mẹ hiền. Và nếu không có tấm lòng của một người mẹ, chắc chắn khó có giáo viên nào gắn bó được với những lớp học như thế. Hơn 26 năm gắn bó với nghề dạy học, ngoài giờ học chính khóa, cô Nguyệt còn sắp xếp thời gian học thêm, cùng trò chuyện giữa buổi và tận tình giúp các em trong sinh hoạt và các hoạt động vui chơi.

"Dạy trẻ khuyết tật hòa nhập là công việc không dễ, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nắm bắt tâm lý và hơn hết là tấm lòng yêu trẻ. Khi dạy trẻ khuyết tật, nếu quá chú ý đến các em sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chung, còn giảng dạy theo hướng "đại trà hay cào bằng" thì các em khó theo kịp. Thời gian trên lớp không đủ để giáo viên giúp các em tiếp thu bài vở, vì vậy phải tranh thủ cả giờ nghỉ, giờ rảnh. Song, điều đó không có nghĩa là tạo cho các em áp lực học hành", cô chia sẻ. Nói về kinh nghiệm giảng dạy, cô Nguyệt cho biết, để thực hiện tốt công tác giáo dục học sinh khuyết tật, ngoài năng lực chuyên môn, đòi hỏi giáo viên phải có những kỹ năng khác để giúp các em tiếp nhận kiến thức.

"Giúp các em tiếp thu kiến thức thôi chưa đủ, điều quan trọng hơn nữa là phải làm sao cho các em tự tin hơn vào bản thân. Các hoạt động ngoại khóa, các em cũng được tham gia bình thường như các bạn. Việc động viên, khen ngợi khi các em làm được một điều gì đó như đọc được bài, trả lời được câu hỏi cũng làm cho các em rất vui và thích tham gia các hoạt động hơn", cô Nguyệt nói.

Lớp học có trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng của cô luôn đầy ắp tình thương.

Mặc dù không thể chữa lành khiếm khuyết trên cơ thể của các em nhưng bằng tình thương yêu. Gắn bó với công tác giáo dục trẻ khuyết tật thì nhà giáo phải luôn có cái tâm, trăn trở nhất của cô là làm sao giúp các em khuyết tật có thể sớm hòa nhập cộng đồng.

Bởi vậy, cô luôn tin rằng, tình thương yêu và tâm hồn luôn mở rộng thì sẽ làm giảm mức độ khuyết tật của các em. Những giáo viên tâm huyết với trẻ khuyết tật luôn đau đáu một điều, xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến các em, cần tạo điều kiện cho các em tự khẳng định bản thân, không phải là gánh nặng của gia đình, xã hội.

Quá trình học của trẻ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường nên sự hợp tác của phụ huynh hết sức quan trọng. Tại các lớp có trẻ khuyết tật theo học, giáo viên chủ nhiệm luôn chú trọng giúp các em tự tin hòa đồng với bạn bè, tham gia các hoạt động của lớp chứ không chỉ xem nặng việc dạy kiến thức.

Căn cứ để đánh giá cuối năm đối với các em không giống những học sinh bình thường mà chủ yếu là sự tiến bộ trong việc rèn luyện kỹ năng sống. "Không có được cơ thể lành lặn và trí tuệ phát triển bình thường, học sinh khuyết tật rất cần sự giúp đỡ, sẻ chia để hòa nhập thật sự với cuộc sống", cô tâm sự.

Cô Ngô Thị Mai, Hiệu trưởng Trường TH số 2 Hòa Châu cho biết, trong những năm qua, trường đã chú trọng tiếp nhận và tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật có cơ hội học tập bình đẳng, phát triển khả năng, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là những học sinh có điều kiện khó khăn, học sinh khuyết tật.

Việc chọn lựa giáo viên nào đảm nhận công việc này đều được ban giám hiệu, tập thể hội đồng sư phạm nhà trường chọn lựa có đủ phẩm chất và năng lực sư phạm vững vàng, đặc biệt là có lòng nhiệt huyết, tấm lòng yêu trẻ. Cô giáo Trần Thị Thanh Nguyệt là một giáo viên hội tụ được những yếu tố tích cực như vậy!

Ở tuổi xấp xỉ 50 với hơn 26 năm gắn bó với nghề giáo, nếm trải bao nỗi vất vả, đắng cay, đến nay cô cảm thấy cuộc sống mình được an ủi và hạnh phúc khi cả ba người con đều chăm ngoan, học giỏi. Để có được niềm vui, hạnh phúc giản dị đó, cô Trần Thị Thanh Nguyệt đã phải vượt qua biết bao khó khăn của cuộc sống đời thường, một mình cô cáng đáng công việc gia đình, chăm sóc người chồng đang mang căn bệnh ung thư.

Lắm lúc cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn đã làm cô phân tâm nhưng từ trong hoàn cảnh của mình và tấm lòng yêu nghề, mến trẻ đã giúp cô vượt qua mọi trở ngại cuộc sống trở thành một người giáo viên luôn có tâm hồn rộng mở, dạy học sinh bằng cả trái tim.

Bài, ảnh: Đại Khải