Đây là lúc Đà Nẵng cần ra tay
(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, ai có thân nhân ở Bắc Trung Bộ, mỗi khi nghe điện thoại đều thon thót lo âu, sợ gia đình có chuyện, và thực tế đã có rất nhiều cuộc điện thoại không nói nên lời.
Bên cạnh những thiệt hại về người, thiệt hại kinh tế do cơn bão này gây ra vô cùng lớn, khiến cho những địa phương ở “khúc eo” vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, khiến cho hàng nghìn hộ gia đình có nguy cơ lâm vào cảnh túng bấn. Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, thống kê sơ bộ, tính đến sáng 1-10, bão số 10 đã làm 3 người chết, 2 người mất tích và 50 người bị thương; gần 100.000 căn nhà bị tốc mái, ngập và sập đổ; nhiều trường học, bệnh viện, trạm y tế... bị hư hại; hàng chục nghìn héc-ta cây trồng bị thiệt hại; hàng trăm cột điện hạ thế và cao thế bị nghiêng, đổ, đường dây điện bị đứt; nhiều tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi bị sạt lở; nhiều tàu, thuyền neo đậu tại bến cũng bị chìm và hư hỏng. Ngoài ra, trong bão số 10, gần 3 vạn hộ dân, với hơn 113 nghìn người phải sơ tán... Nhưng đó chỉ là thống kê sơ bộ, chỉ là những con số chưa diễn tả hết hậu quả kinh hoàng do cơn bão gây ra, sẽ không ai có thể diễn tả hết mất mát, đau thương mà đồng bào Bắc Trung Bộ đang gánh chịu.
Là địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 10, chắc chắn, Đà Nẵng cũng có thiệt hại ít nhiều. Tuy vậy, so với các địa phương khác, trong vài năm trở lại đây cũng như riêng trong cơn bão số 10 này, Đà Nẵng có phần may mắn hơn, không có thiệt hại đáng kể nào về người, tài sản được ghi nhận. Có thể nói, đó là điều may mắn lớn, giúp bảo toàn nhiều thành tựu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... của TP.
Xét trong quá khứ, là địa phương chịu đựng hậu quả nặng nề của bão số 6 (năm 2006), chính quyền và người dân Đà Nẵng hoàn toàn thấu hiểu tình cảnh hiện nay của đồng bào các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt là Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh – những nơi bị bão số 10 chà xát liên tục nhiều giờ liền.
Từ sự may mắn và thấu hiểu đó, có thể nói, đây là lúc Đà Nẵng có điều kiện và cần ra tay hỗ trợ đồng bào Bắc Trung Bộ một cách tích cực nhất, khẩn trương nhất, hiệu quả nhất. Chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang TP Đà Nẵng cần có hành động cụ thể nhằm san sẻ với chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang các tỉnh Bắc Trung Bộ với tất cả tinh thần và vật chất trong điều kiện cho phép. Đó không chỉ là hành động thể hiện đạo lý lá lành đùm lá rách, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam mà còn là hành động thiết thực thể hiện vai trò, vị trí của TP Đà Nẵng với tư cách là địa phương có tiềm lực kinh tế lớn nhất miền Trung – Tây Nguyên, được Trung ương xác định là thành phố động lực của sự phát triển toàn khu vực.
Với người dân Đà Nẵng, là những người đã từng được đồng bào cả nước, trong đó có đồng bào Bắc Trung Bộ hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt nhiều năm về trước, thì đây là lúc thích hợp nhất để thể hiện tinh thần tương thân tương ái và lòng tri ân.
Hơn nữa, cũng phải nhìn nhận rằng, sự phát triển của Đà Nẵng hôm nay có sự đóng góp rất đáng ghi nhận của các địa phương miền Trung, trong đó có đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức quê quán ở các địa phương này. Bởi vậy, việc ra tay hỗ trợ các địa phương Bắc Trung Bộ cũng là cách thức an ủi, động viên, hỗ trợ cho thân nhân gia đình đội ngũ nhân lực đang chung tay góp sức cho sự phát triển của TP Đà Nẵng, giúp họ yên tâm công tác trong lúc khó khăn này.
Chắc chắn rằng, trước những mất mát, đau thương của đồng bào Bắc Trung Bộ, Đà Nẵng đã và đang có sự hỗ trợ nhất định. Tuy vậy, sự hỗ trợ đó cần được đẩy lên một mức độ cao hơn, rõ rệt hơn, để huy động được sức mạnh rộng lớn của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể và nhất là các tầng lớp nhân dân cho công việc đầy ân nghĩa và vô cùng cấp thiết này.
Nguyễn Lê