Đẩy mạnh cao điểm tuyên truyền, vận động người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trên VneID

Thứ hai, 19/05/2025 07:20

Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Công an TP Đà Nẵng và Công an tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tích cực triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 thông qua nền tảng số VneID- một giải pháp hiện đại, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí và công khai, minh bạch.

Công an phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ đến tận tàu cá vừa cập bến để tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp qua nền tảng số VNeID.
Hàng đêm, các tổ Cảnh sát khu vực Công an phường Hòa Cường Bắc tổ chức hướng dẫn Nhân dân cách góp ý sửa đổi Hiến pháp thông qua ứng dụng công nghệ.

Ngay sau khi phát động đợt cao điểm, Công an các phường, xã đã đồng loạt triển khai nhiều hình thức vận động sát dân, bám dân, hiệu quả cao. Tại phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), 13 cán bộ CSKV chia thành các nhóm đến từng tổ dân phố để hướng dẫn người dân thao tác góp ý trực tiếp trên ứng dụng VNeID. Việc cán bộ Công an phối hợp chặt chẽ với tổ dân phố, đoàn thể đã giúp người dân, đặc biệt là người cao tuổi, tiếp cận dễ dàng với hình thức góp ý số hóa. Thiếu tá Đinh Hữu Bảo Duy- Phó Trưởng CAP Hòa Cường Bắc cho biết: "Chúng tôi huy động tối đa lực lượng, kể cả ngoài giờ hành chính, cuối tuần, để từng người dân đều được hướng dẫn kỹ và tham gia góp ý hiệu quả".

Tại phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), CAP kết hợp cùng Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ thanh niên xung kích Đề án 06 đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trực tiếp tại nhà dân, khu dân cư, hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Bà Trương Thị Kép- người dân tổ dân phố 27 chia sẻ: "Ban đầu tôi không biết có thể góp ý về Hiến pháp. Nhưng khi được hướng dẫn, tôi rất phấn khởi. Mình là người dân, giờ cũng được nói lên tiếng nói của mình".

Cùng với việc đến từng nhà dân, lực lượng Công an địa phương còn triển khai tuyên truyền qua loa phát thanh, pa-nô, áp phích, mạng xã hội để người dân tiếp cận đa dạng, dễ nhớ, dễ làm theo.

Song song với hoạt động ở cơ sở, Công an TP Đà Nẵng cũng tập trung tuyên truyền chuyên sâu tại các trường học và trung tâm hành chính các quận/huyện, nơi có đông người dân trẻ, học sinh, sinh viên, nhóm công dân có khả năng tương tác cao với công nghệ và nhận thức pháp luật tốt. Ngày 16-5, tại Trường THPT Phan Châu Trinh, Chi đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với Chi đoàn Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Đà Nẵng tổ chức buổi tuyên truyền, thu hút gần 400 học sinh, giáo viên tham dự. Tại chương trình, báo cáo viên đến từ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã trình bày các nội dung sửa đổi dự kiến của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là những điểm sát với lứa tuổi học sinh như: quyền được học tập, quyền tiếp cận công nghệ thông tin, quyền tham gia xây dựng pháp luật. Cô Đoàn Thị Hạnh- Phó Hiệu trưởng Trường Phan Châu Trinh đánh giá: "Chương trình có ý nghĩa giáo dục lớn, giúp học sinh hiểu rằng bản thân các em cũng là chủ thể xây dựng xã hội pháp quyền". Ngay tại buổi tuyên truyền, nhiều học sinh đã đăng nhập VNeID để góp ý trực tiếp, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm thiết thực đến các vấn đề pháp luật.

Học sinh trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) sôi nổi góp ý sửa đổi Hiến pháp bằng điện thoại thông minh.

Từ thực tế ban đầu cho thấy tỷ lệ người dân tham gia góp ý còn thấp, Công an TP Đà Nẵng đã chủ động, sáng tạo triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền từ địa phương đến trường học. Mục tiêu đến ngày 31-5-2025, phấn đấu đạt trên 90% công dân có tài khoản định danh điện tử mức 2 tham gia góp ý, vừa là chỉ tiêu nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm công dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây không chỉ là đợt cao điểm hành động, mà còn là cơ hội để mỗi người dân hiểu rõ hơn quyền và trách nhiệm của mình trong việc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, với đặc thù có nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển, về bờ tiếp tế nhiên liệu thực phẩm là lại ra khơi ngay, CAP Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ đã linh động bố trí các tổ công tác đến các làng chài, cảng cá và cả trên tàu cá neo đậu để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn ngư dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp qua nền tảng số VNeID.

Công an phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ đến tận tàu cá vừa cập bến để tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp qua nền tảng số VNeID.

Ngày 18-5, tàu cá QNg 98376 TS vừa cập cảng cá Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh) sau phiên biển nhiều ngày ở vùng biển Hoàng Sa, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Sóng và các ngư dân đã được cán bộ CAP Phổ Thạnh tiếp cận hướng dẫn chi tiết cách thức tham gia góp ý thông qua ứng dụng VNeID. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Sóng hớn hở: "Anh em ngư dân suốt ngày lênh đênh trên biển nên cách thức vào điện thoại tham gia cũng khó khăn. Nhưng với hướng dẫn tỉ mỉ, cặn kẽ của các anh Công an, chúng tôi nhanh chóng thực hiện các thao tác thành công". Còn chủ tàu Trần Văn Hải cũng cam kết: "Nắm được cách sử dụng vào VNeiD, chúng tôi sẽ hướng dẫn các ngư dân khác vào tham gia đóng góp sửa đổi Hiến pháp".

Không chỉ riêng tàu QNg 98376 TS, tại Cảng cá Sa Huỳnh, nhiều tàu cá về bến sau phiên đánh bắt dài ngày trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa cũng được CAP Phổ Thạnh phối hợp Đồn Biên phòng Sa Huỳnh phân công một tổ túc trực tại cảng cá để rà soát ngư dân trên tàu cá về tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân tham gia góp ý qua VNeID.

Tại làng chài các tổ dân phố Thạch Đức 2, Thạch By, Tân Diêm … cán bộ, chiến sĩ CAP "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng trường hợp" vận động người dân tham gia, góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp. Riêng đối với ngư dân đánh bắt xa bờ, Công an, Bộ đội Biên phòng phối hợp Nghiệp đoàn nghề cá tuyên truyền ngư dân ở nơi có sóng điện thoại, mạng internet có thể sử dụng dịch vụ này tham gia đóng góp sửa đổi Hiến pháp ngay tại ngư trường.

Trung tá Nguyễn Quốc Vương- Trưởng CAP Phổ Thạnh cho biết: "Những ngày qua, đơn vị không chỉ tuyên truyền, vận động vào các buổi tối, ngoài giờ hành chính mà còn liên hệ với gia đình, các đài Icom cộng đồng, các phương tiện đánh bắt xa bờ, chuyển tải đến ngư dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp. Công an phường còn tham mưu chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đến các hội, đoàn thể, toàn thể người dân về những nội dung cơ bản trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; làm rõ mục đích, ý nghĩa và vai trò quan trọng của việc tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013".

NGỌC TÂN- THÀNH SỰ