Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội
Ngày 5-11, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội” năm 2020. Tham dự Hội nghị có các đại biểu thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, cùng các cơ quan, đơn vị của tỉnh Đắk Lắk.
Tại hội nghị, các đại biểu được cung cấp thông tin về các chuyên đề: Chữ ký số - Công cụ thiết yếu cho việc chuyển đổi số, chữ ký số trên văn bản điện tử và định hướng lưu trữ số quốc gia, mở rộng chữ ký số trên thực tiễn. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng thông tin đến đại biểu nội dung Nghị định số 45/2020 ngày 8-4-2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ký số và phần mềm kiểm tra chữ ký số tại Thông tư số 22/2020 ngày 7-9-2020 của Bộ TT&TT.
Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, chữ ký số là một dạng của chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử có phạm vi rất rộng, được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc hình ảnh. Tuy nhiên, chữ ký điện tử khó đảm bảo được tính xác thực, tính toàn vẹn dữ liệu không cao và có khả năng bị chối bỏ vì có thể làm giả được. Chữ ký số là một dạng của chữ ký điện tử nhưng sử dụng tính ưu việt của công nghệ hạ tầng hóa công khai, sử dụng các thuật toán, mã hóa để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, xác thực được người ký và cả người nhận lẫn người ký không chối bỏ được trách nhiệm.
Chữ ký số mang lại lợi ích to lớn cho các tổ chức đang trải qua quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, công nghệ chữ ký số cũng ngày càng phát triển theo hướng tăng cường các tính năng bảo mật, giảm chi phí hoạt động, cải thiện năng suất làm việc, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đáp ứng và duy trì sự tuân thủ chữ ký số.
Chữ ký số vừa là hạ tầng pháp lý, vừa là hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công cuộc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên môi trường mạng áp dụng chữ ký số. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chữ ký số trong cải cách thủ tục hành chính rất hiệu quả có tác dụng rút ngắn chi phí cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Tại Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật quy định dịch vụ chứng thực chữ ký số và sử dụng chữ ký số khá đầy đủ, các cơ quan nhà nước đã bắt đầu áp dụng chữ ký số, đặc biệt là trong khối Chính phủ. Hơn nữa, mạng Internet phủ rộng, cùng với việc sử dụng rộng rãi máy tính và điện thoại di động tạo nhiều thuận lợi cho việc sử dụng chữ ký số. Tuy nhiên, việc sử dụng chữ ký số đòi hỏi một lộ trình bài bản vì phải thay đổi nhận thức, thói quen của người dùng.
Ông Phạm Quốc Hoàn nhấn mạnh, trước tiên, Bộ TT&TT sẽ áp dụng cho ngành tài chính - ngân hàng và cho dịch vụ công, sau đó truyền thông ra xã hội sử dụng rộng rãi chữ ký số trong các loại hình giao dịch. Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT xem xét mức chi phí thấp nhất và công cụ sử dụng chữ ký một cách thuận lợi, đảm bảo tính xác thực để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng.
HOÀI THU