Đẩy mạnh thị trường phim thương mại tại Việt Nam
Theo ông Raymond Phathanavirangoon, Việt Nam không chỉ cần hướng đến phát triển điện ảnh trong nước mà còn cần hướng đến việc làm phim thương mại và mở rộng ở những thị trường khác. Để bước chân ra toàn cầu, ông Raymond Phathanavirangoon cho rằng, những bộ phim thương mại cũng gặp không ít khó khăn. Do đó, những liên hoan phim cũng là cầu nối để đưa những bộ phim đi xa hơn. Việt Nam cũng cần học hỏi, sản xuất thêm nhiều đề tài mới lạ như hài kịch phục vụ trong nước… Bên cạnh đó, các phim thương mại không nên lạm dụng những chủ đề buồn, khổ để lấy nước mắt khán giả.
Còn ông Anderson Lê, Đạo diễn Liên hoan phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 cho rằng, trên thực tế, thị trường phim thương mại ăn khách của Việt Nam khai thác những chủ đề không quá đa dạng, nhưng không phải tất cả đều nhằm lấy nước mắt khán giả. Trong đó, Việt Nam có những bộ phim tâm lý xã hội khai thác bi kịch, mâu thuẫn gia đình hoặc bằng hữu như "Mai", "Bố già", "Nhà bà Nữ", "Con nhót mót chồng", "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh"..., cũng có những phim kinh dị khai thác nhiều đề tài, tình cảm lãng mạn hoặc những phim hài, hành động. Đối với thể loại phim tình cảm, ông Anderson Lê đưa ra lời khuyên, thay vì tập trung một chủ đề chính, phim cũng sẽ có nhiều thông điệp và vấn đề xã hội đang nóng, đó cũng là lý do thu hút khán giả chứ không chỉ tập trung vào yếu tố buồn, khổ.
Để đưa điện ảnh Việt ra thị trường thế giới, ông Jee-won Choi, Đạo diễn phim hợp tuyển (thể loại phim gồm những bộ phim ngắn được tổng hợp lại thành một bộ phim dài) cho rằng, bên cạnh việc phát triển lĩnh vực phim thương mại, Việt Nam cần chú trọng tìm kiếm nhân tài, các diễn viên mới, để tạo sự đột phá trong điện ảnh ở thời đại công nghệ số hiện nay. Việc tìm kiếm nhân tài này đã, đang được các nhà làm phim tại Hollywood nói riêng, trên toàn cầu nói chung áp dụng. Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội giúp những người làm phim Việt Nam đưa phim của họ lên một tầm cao mới.
Thu Hương