Đẩy nhanh giai đoạn 1 dự án Tuyến cống thoát nước Khe Cạn

Thứ bảy, 12/09/2020 15:00

Chiều 11-9, tại buổi làm việc liên quan đến tiến độ thực hiện dự án Tuyến cống thoát nước Khe Cạn, lãnh đạo Quận ủy Thanh Khê (TP Đà Nẵng) yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ công tác hỗ trợ người dân, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao đất để khởi công giai đoạn 1. Tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc với địa phương mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu một số công việc phải hoàn thành trong tháng 9-2020.

Dự án Tuyến kênh thoát nước Khe Cạn hướng tới giải quyết ngập úng, ô nhiễm môi trường, phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội của TP Đà Nẵng.

Hỗ trợ người dân đối với đất không đủ tính pháp lý

Theo BQL dự án đầu tư xây dựng Q. Thanh Khê, dự án Tuyến cống thoát nước Khe Cạn được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết 1:500 tại Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 14-9-2016 với tổng diện tích quy hoạch 64.834m2. Theo phương án bố trí tái định cư, phân kỳ 1 của dự án này sẽ thực hiện giải tỏa 134 hồ sơ (trong lòng tuyến cống là 101 hồ sơ và khu vực dùng để xây dựng 2 block chung cư là 33 hồ sơ), giải tỏa hẳn 120 hồ sơ, giải tỏa một phần là 14 hồ sơ. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 26/134 hồ sơ bàn giao mặt bằng, 108 hồ sơ còn lại chưa thực hiện bàn giao mặc dù chính quyền đã vận dụng các chủ trương, chính sách để hỗ trợ tối đa. Lý giải về các hồ sơ chưa thực hiện bàn giao mặt bằng, ông Nguyễn Đình Phương - Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng Q. Thanh Khê cho biết, khu vực cống thoát nước Khe Cạn là vùng đất nông nghiệp nằm giữa đô thị, khác với đất nông nghiệp thuần túy. Trước đây, nhiều hộ dân tới đây theo kiểu “nhảy dù”, tự ý san lấp mặt bằng, chia tách, chuyển nhượng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng để làm nhà ở, chăn nuôi, trồng cây cảnh, hầu hết các giấy tờ đều viết tay. Giai đoạn 2011-2014, trước thực trạng nhiều hộ dân quá khó khăn về chỗ ở nên có đơn đề nghị UBND quận cấp giấy phép tạm để làm nhà. “Để đảm bảo điều kiện về điện, nước sinh hoạt của nhân dân, cơ quan chức năng đã đồng ý cấp phép tạm cho các hộ dân làm nhà. Trong giấy phép, chủ hộ cam kết tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng khi triển khai dự án, không nhận tiền đền bù. Chiếu theo quy định thì các hồ sơ này không đảm bảo tính pháp lý, chỉ thuộc diện hỗ trợ chứ không phải là đền bù”, ông Phương nói.

Ông Tào Hùng - Chánh văn phòng UBND Q. Thanh Khê cũng cho rằng, căn cứ theo quy định của pháp luật, UBND TP đã có một số thông báo về các mức hỗ trợ đối với người dân trong vùng dự án. Cụ thể hỗ trợ 100% giá đất trồng cây hàng năm vị trí 1 đồng bằng (98.000 đồng/m2), cây cối hoa màu 18.000 đồng/m2 ? đối với đất trống. Tiếp đó TP cũng có công văn thống nhất hỗ trợ tiền thuê nhà đối với các hộ trong vùng giải tỏa là 3 triệu đồng/tháng/hộ. Đầu năm 2020, tiếp tục có công văn thống nhất hỗ trợ 100% giá trị nhà, vật kiến trúc đối với các trường hợp xây trên đất nông nghiệp, đất do phường quản lý được giải quyết thuê căn hộ chung cư; 80% đối với các trường hợp không được thuê chung cư. Mới đây nhất, các thửa đất tiếp giáp 3 hoặc 4 mặt với đất ở thì được hỗ trợ thêm 50% giá trị đất ở trong khu vực; tiếp giáp 2 mặt hỗ trợ thêm 40%, tiếp giáp 1 mặt hỗ trợ thêm 30%. Nếu đúng về lý, sẽ có nhiều hộ thuộc diện giải tỏa mà không có bất cứ khoản đền bù, hỗ trợ nào. “Vì người dân cũng khó khăn nên quận cũng tham mưu TP vận dụng hết mọi quy định để có phương án tốt nhất. Vì không phải là đất đầy đủ pháp lý nên đây là hỗ trợ chứ không phải đền bù”, ông Hùng cho hay.

Khu vực Khe Cạn mùa nắng ô nhiễm, mùa mưa ngập úng cần nhanh chóng được cải thiện.

Trường hợp chây ì phải áp dụng biện pháp hành chính

Theo ông Trần Trung Nam - Phó trưởng phòng TN-MT Q. Thanh Khê, hầu hết đất ở đây là do người dân tự mua bán bằng cách viết tay rồi xây nhà ở cho nên pháp lý không đảm bảo là đương nhiên. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng tạm hoặc các thủ tục trước đây ai đúng ai sai thì sẽ có kết luận thanh tra. Nhưng rõ ràng đối chiếu với quy định hiện tại là đất không hợp pháp. “Thực tế là người dân thường xuyên kiến nghị, kêu cứu về tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường. Giờ dự án thực hiện để khắc phục việc đó, ai cũng đồng tình nhưng khi thu hồi đất, giải tỏa thì lại chây ì bàn giao mặt bằng. Để thực hiện dự án có tầm quan trọng này, cơ quan chức năng đã vận dụng hết sức để hỗ trợ. Chính vì vậy phải cộng tác với nhau vì nhiệm vụ lớn, không thể dùng dằng mãi được. Các trường hợp cố tình chây ì, không hành thì phải áp dụng biện pháp hành chính theo quy định của Luật đất đai”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê, ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng, quận đã nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ liên quan để sớm khởi công giai đoạn 1 của dự án. Đầu tháng 9 vừa qua, đoạn đầu tiên của dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đã tiếp nhận và tiến hành thi công. “Trong những ngày qua, với sự vận động, giải thích của cơ quan chức năng, đã tiếp tục có hộ dân thực hiện bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Việc vận động người dân cũng như giải quyết các chính sách hỗ trợ sẽ được song song thực hiện với tinh thần vận dụng chính sách tốt nhất trong điều kiện có thể. Đây là dự án có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, nên quận quyết liệt để sớm khởi công, hoàn thành và quay lại phục vụ chính người dân”, bà Nguyệt cho hay.

Liên quan đến công tác thanh tra, xử lý các sai phạm liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện, buông lỏng quản lý dẫn đến rắc rối kéo đến hôm nay, bà Nguyệt cho biết, ngay sau chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Quận ủy đang phối hợp với Thanh tra thành phố tiến hành rà soát, làm rõ một cách khách quan, chính xác.                   

ĐÔNG A