Đẩy nhanh tiến độ khắc phục, xử lý tồn lưu dioxin tại sân bay Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Ngày 8-1, đoàn công tác do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã có buổi kiểm tra tại khu vực Dự án xử lý chất độc Dioxin sân bay Đà Nẵng.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cùng lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan kiểm tra thực tế |
Trong giai đoạn 2010-2015, kế thừa các số liệu điều tra khảo sát đã có trước đây, kết hợp nghiên cứu các thông tin liên quan được phía Mỹ giải mật, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số cơ sở nghiên cứu, một số tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tiến hành điều tra làm rõ hiện trạng ô nhiễm dioxin tại một số vùng bị phun rải, điểm tập kết chất độc hóa học trước đây, tập trung vào các khu vực ô nhiễm nặng như: sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát và khu vực lân cận. Đến nay, đã xác định được phạm vi và khối lượng đất, trầm tích nhiễm dioxin trên ngưỡng cho phép theo QCVN45:2012/BTNMT tại sân bay Đà Nẵng là 148.000m3, sân bay Phù Cát là 7.500m3, sân bay Biên Hòa từ 450-500.000m3. Các kết quả nghiên cứu này là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch tẩy độc ô nhiễm. Bên cạnh công tác điều tra khảo sát hiện trạng ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tiến hành nghiên cứu các công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin, tham gia nghiên cứu và điều trị bệnh /tật cho nạn nhân CĐHH; Phương pháp giải hấp nhiệt do các đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng phối hợp với USAID thử nghiệm và ứng dụng thành công trong xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng được coi là phương pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Thiếu tướng Bùi Anh Chung-Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Trưởng ban quản lý Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng cho biết, đến nay Dự án đã hoàn thành phần lớn khối lượng công việc, đặc biệt là xử lý nhiệt trong mố (IPTD) giai đoạn 1 đã hoàn thành. Theo đó, đã hoàn thành xử lý 45.000m3 đất nhiễm dioxin. Đất sau khi xử lý đã bàn giao cho Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam và áp dụng phương pháp trộn phụ gia cải thiện cơ tính sử dụng để hoàn thổ tại sân đỗ mở rộng và đường lăn E7 phục vụ Hội nghị APEC 2017. Ngày 1-11-2016, đã chính thức đóng điện vận hành hệ thống xử lý nhiệt giai đoạn 2, đến nay hệ thống hoạt động ổn định, các thông số môi trường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam. Những bài học rút ra từ thành công của giai đoạn 1 là một trong những yếu tố thuận lợi để vận hành giai đoạn 2 của dự án.
45.000m3 đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng được xử lý giai đoạn 2. |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, qua theo dõi, phối hợp thực hiện, Ban Chỉ đạo 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và những kết quả đạt được của Bộ Quốc phòng thời gian qua trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và thực hiện dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng nói riêng. Thành công trong cô lập, chôn lấp an toàn 7.500m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát (phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn thành giai đoạn I (xử lý 45.000m3 đất, trầm tích ô nhiễm), tiếp tục xử lý giai đoạn 2 của Dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, hoàn thành đánh giá môi trường sân bay Biên Hòa (với sự hợp tác hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID) là những kết quả có ý nghĩa hết sức to lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Đồng-Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 của Chính phủ vẫn lo lắng: để đẩy nhanh tiến độ xử lý chất độc hóa học/dioxin tại các điểm nóng ở nước ta, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề khắc phục ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam hiện vẫn tiếp tục là một thách thức lớn. Dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã phải kéo dài, dự kiến đến năm 2018 mới hoàn thành do khối lượng đất và trầm tích cần xử lý tăng gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Một số vấn đề liên quan trong quá trình xử lý đất ô nhiễm dioxin như nước thải, khí thải, than hoạt tính sau sử dụng cần tiếp tục được quan tâm trong thời gian triển khai giai đoạn 2 của Dự án. Báo cáo môi trường sân bay Biên Hòa đã hoàn thành với sự phối hợp của các bên liên quan nhưng việc xây dựng kế hoạch xử lý tổng thể, khả thi để triển khai gặp nhiều khó khăn do chưa rõ nguồn lực và lựa chọn công nghệ… Để thực hiện thành công quyết định 651 của Thủ tướng Chính phủ, đòi hỏi các Bộ ngành, địa phương liên quan nỗ lực hơn nữa.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục, xử lý tồn lưu chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu trước mắt phải tổ chức thực hiện tốt giai đoạn 2 của dự án ở Sân bay Đà Nẵng, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng, đồng thời tiếp tục bàn giao đất cho Tổng Cty Hàng không Việt Nam kịp thời xây dựng công trình hàng không phục vụ Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Tiếp đó, các đơn vị làm tốt công tác lập và tổ chức thực hiện dự án xử lý ở Sân bay Biên Hòa, Phù Cát trên cơ sở hợp tác quốc tế để bảo đảm vốn ODA không hoàn lại của Hoa Kỳ và một số nước khác, đồng thời tranh thủ nguồn lực trong nước để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xử lý, nhằm bảo đảm an toàn cho con người và môi trường phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để bảo đảm nguồn lực kinh phí, trang thiết bị công nghệ cho việc xử lý triệt để ở các điểm nóng và các khu vực khác mới được phát hiện…
Nguyễn Tuấn
Ngày 7-1, UBND TP Đà Nẵng công bố Quyết định số 7469/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về việc thành lập Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn (HTKPHQBM) TP Đà Nẵng và tổ chức Đại hội thành lập Hội nhiệm kỳ 2017-2022. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn TP Đà Nẵng nhiệm kỳ đầu, giai đoạn 2017-2022, do Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng làm Chủ tịch Hội kiêm Trưởng Ban vận động. Hội HTKPHQBM TP Đà Nẵng (có trụ sở làm việc tại số 302 đường 2 Tháng 9 (P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) là tổ chức xã hội, tập hợp các hội viên có tâm huyết trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Hội có tôn chỉ, mục đích thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, huy động nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn bom mìn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận…
Tại Đại hội, thay mặt Trung ương Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát-Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Chủ tịch Trung ương Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã trao tặng số tiền 50 triệu đồng cho Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn TP Đà Nẵng. |