Dạy tiếng Việt trên vùng cao

Thứ năm, 31/08/2017 11:42

Giữa trưa hè, Trường Mầm non Anh Đào (xã Sơn Thái, H. Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn râm ran tiếng đọc bài của học trò lớp tăng cường tiếng Việt. Trong lớp, cô Đinh Thị Mừng từ tốn sửa cách phát âm cho một trò nhỏ đọc còn ấp úng, ngọng nghịu. Cô Mừng cho biết, để tạo hứng thú học tập cho các em, cô lựa chọn những chủ đề gần gũi và dạy thông qua tranh ảnh, đồ vật, những câu chuyện kể, bài thơ bằng tiếng Việt. Chỉ vào bé Cà Lia (4 tuổi, người T’rin), cô Trần Thị Minh Nguyệt kể, hồi mới vào học, bé hầu như không nói và hiểu được tiếng Việt. Cô chỉ vào bức tranh con chó và yêu cầu bé phát âm từ “chó”,  bé chỉ biết nói “a sau”. Nhưng hiện nay, bé đã bắt nhịp gần bằng các bạn. Để trẻ đến trường và thích học tiếng Việt, ở Trường Mầm non Anh Đào, các góc hoạt động, đồ chơi, đồ dùng, tranh ảnh, sản phẩm của trẻ đều được sắp xếp sinh động, dán nhãn tiếng Việt; ngoài trời cũng có các chữ viết, ký hiệu nơi góc vườn, sân chơi... Các cô còn giới thiệu nhiều trò chơi dân gian, bài hát đồng dao, ca dao để trẻ vừa vui chơi tập thể, vừa học tiếng Việt. Tại khuôn viên điểm trường chính của Trường Mầm non Ninh Tây (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) còn có khu vực được đổ trụ bê tông nối tiếp nhau để các em vừa chơi trò đi thăng bằng, vừa học chữ cái tiếng Việt viết trên mỗi trụ. Cây cầu khỉ gần đó cũng được bố trí từng chữ số trên mỗi bước chân...

Cô Nguyễn Thị Loan hướng dẫn học trò tập viết.

Ngày hè là lúc cha mẹ đưa con lên rẫy thường xuyên, nên việc huy động trẻ đến trường học tăng cường tiếng Việt 2 buổi/ngày không dễ. 3 năm nay, cô Nguyễn Thị Nhung (27 tuổi) đều dậy từ sáng sớm để kịp đi từ nhà (xã Diên Sơn, H. Diên Khánh) lên Trường Mẫu giáo Hoa Lan (xã Liên Sang, H. Khánh Vĩnh) dạy học. Có khi, cô phải ở liền 2 - 3 ngày mới về. Cũng như nhiều cô giáo khác, cô Nhung còn “đi học” cùng trò, sẵn sàng đưa đón HS. “Có lần, đến nhà một HS trên triền dốc cao, cô vừa leo tới nơi đã mệt lử, vậy mà trò thấy cô đã chạy trốn, tìm được thì khóc lóc, nhất quyết không chịu đi. Vận động, năn nỉ vài ngày liền, trò mới chịu cho cô chở tới lớp. “Từ chỗ không quen với mùi nắng trên tóc của mấy bé người DTTS, tôi đâm “nghiện”, xa mấy bữa là nhớ”, cô Nhung chia sẻ.

Ngoài dạy chữ, các cô còn thường xuyên trò chuyện, mua quà, nhắc các em giúp đỡ cha mẹ, làm việc tốt, giữ gìn vệ sinh... Mối quan hệ giữa cô và trò vì thế ngày càng thân thiết. Nhiều em còn “dạy lại” cô tiếng mẹ đẻ của mình. Nhờ đó, qua 3 năm dạy trẻ, cô Nhung đã tích lũy được chút vốn từ thông dụng của nhiều “ngoại ngữ” như: Raglai, Ê đê, T’rin... Bây giờ, lúc dạy tiếng Việt, cô còn có thể dịch sang tiếng mẹ đẻ của các em, không cần nhờ “thông dịch viên” trong lớp.

Dạy trẻ DTTS nhiều vất vả, nhưng với các cô giáo, đó còn là hạnh phúc mang cái chữ đến với các em. Với hơn 30 năm dạy HS miền núi, trong đó 15 năm dạy tại điểm trường Suối Sâu, cô Nguyễn Thị Loan (Trường Tiểu học Ninh Tân, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) biết rất rõ hoàn cảnh từng nhà. Cô từng mang gạo và vận động mọi người hỗ trợ gạo cho một HS nghèo mồ côi cha mẹ. Mở giỏ xách đựng mấy gói kẹo bánh, cô vui vẻ nói: “Tôi luôn chuẩn bị sẵn những món quà nhỏ để động viên trẻ. Ai nói đúng tiếng Việt, cô thưởng, ai chưa nói đúng, cô cũng thưởng nhưng ít hơn”. Nhìn nét chữ run run mà Cao Thị Ý (6 tuổi, người Raglai) viết trên bảng, có thể thấy được phần nào công sức, tâm huyết mà cô Loan dành cho HS.

Còn cô Trần Thị Ngọc Phượng (Trường Mầm non Ninh Tây, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), hàng ngày gửi lại con nhỏ 9 tháng tuổi cho bà nội chăm để đi dạy, chia sẻ: “Có người từng khuyên tôi chuyển nghề. Nhưng nghĩ đến niềm vui của các em khi đọc đúng, được cô khen, nghĩ đến sự gắn bó cô trò thân thiết như con với mẹ, tôi lại không nỡ rời xa. Tháng đầu tiên nghỉ hè, tôi nhớ trường quay quắt, đêm ngủ còn mơ thấy tiếng HS đọc bài. Có lần, trò biết cô bị bệnh phải về sớm bèn chạy theo nắm tay, phụng phịu nói: “Mai cô lại đi dạy, cô đừng nghỉ nhé...”.

Ông Trần Văn Trung - Phó Trưởng phòng GD-ĐT H. Khánh Vĩnh cho biết: “Năm học 2017 - 2018, huyện có 16/17 trường mầm non và 15/16 trường tiểu học tổ chức tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Qua hơn 1 tháng hè triển khai, khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của nhiều trẻ đã tiến bộ”.

N.T