Dạy và học trực tuyến: Bài toán khó về hệ thống chung toàn ngành
Bước sang năm học thứ ba phải dạy và học trực tuyến, dù toàn ngành đã có rất nhiều nỗ lực để đảm bảo chất lượng giáo dục nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, việc có một hệ thống giáo dục trực tuyến toàn ngành là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Học sinh học trực tuyến phòng dịch COVID-19. Ảnh: P.T
Vẫn nhiều khó khăn
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến thích ứng với dịch COVID-19”, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho hay, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành giáo dục đã nhanh chóng thích ứng với phương châm tạm dừng đến trường không dừng học. Bộ cũng đã ban hành thông tư quy định về việc dạy và học trực tuyến để tạo hành lang pháp lý cho hình thức học mới này.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng thừa nhận trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là hạn chế về cơ sở hạ tầng; nguồn học liệu học trực tuyến; năng lực khai thác, sử dụng của thầy cô cũng như khả năng tự học của học sinh. Với những em học sinh độ tuổi càng nhỏ thì khó khăn càng lớn. Đánh giá vừa từ góc nhìn chuyên gia công nghệ, vừa từ góc độ phụ huynh, ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone cho rằng việc tiếp cận nhanh chóng với công nghệ dạy học trực tuyến như Zoom, Google Meet đã giúp đảm bảo việc dạy học diễn ra xuyên suốt. Tuy nhiên, các giải pháp này mới chỉ đáp ứng việc tổ chức một lớp học trực tuyến, không thể quản lý được trường học. Giáo viên phải sử dụng nhiều ứng dụng, phần mềm khác nhau để dạy học, quản lý, giao bài, kiểm tra, thi, báo cáo... rất phức tạp và không đồng bộ. Về phía học sinh và phụ huynh, có quá nhiều link lớp học, link bài tập, dẫn tới học sinh và phụ huynh khó theo dõi. “Ngoài ra, phụ huynh cũng lo ngại an toàn lớp học khi có những thành phần xấu chia sẻ các video độc hại”, ông Hạnh nói.
Những thách thức
Theo ông Hạnh, để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả tốt, nhà trường nên tiếp cận với các giải pháp giáo dục có tính năng quản lý trường học trực tuyến, tiếp cận giải pháp đồng bộ trên cùng một ứng dụng để việc quản lý dễ dàng.
Từ góc nhìn trải nghiệm thực tế, cô giáo Nguyễn Bích Thủy cho hay, khi thực hiện dạy trực tuyến trên nền tảng dạy học có tính hệ thống và quản lý, hiệu quả của việc học trực tuyến được nâng lên rất nhiều. “Bộ GD-ĐT nên tìm cách phối hợp với các tập đoàn để tạo ra nền tảng dạy học trực tuyến của ngành. Từ đó, các cơ sở giáo dục dựa trên nền tảng đó để triển khai dạy học trực tuyến đồng bộ và thống nhất”, cô Thủy kiến nghị. Nữ giáo viên cũng bày tỏ mong muốn Bộ sẽ quan tâm hơn về vấn đề bồi dưỡng giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tổ chức các lớp học chính khóa để nâng cao trình độ của giáo viên.
Trước những hạn chế thực tế và các ý kiến đề xuất, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nguyện vọng có hệ thống dạy học trực tuyến toàn ngành là mong muốn chính đáng. “Nhưng hình dung con số, cả nước có hơn 16 triệu học sinh, hơn 30.000 trường trên khắp 63 tỉnh thành. Không dễ gì có hệ thống chung lớn đến vậy, cần sự tham gia của các lực lượng xã hội”, ông Thành chia sẻ. Cũng theo ông, ngoài hệ thống, còn vấn đề liên quan đến nguồn học liệu, làm sao để phát triển, hỗ trợ các thầy cô. Ông nhấn mạnh, ngành giáo dục đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục các khó khăn của việc dạy và học trực tuyến như hỗ trợ thiết bị cho học sinh khó khăn, biên soạn tài liệu hỗ trợ giáo viên. Tài liệu không chỉ có văn bản gồm cả các video clip cụ thể, hướng dẫn thầy cô sử dụng công nghệ thông tin, từ việc tổ chức bài học, xây dựng các video bài giảng hỗ trợ, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh để trước giờ dạy trực tuyến, các em có sản phẩm thảo luận.
“Điều này nhằm rút ngắn thời gian ngồi trong lớp học ảo, giảm căng thẳng tâm lý, tăng tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè để giờ học hiệu quả, tích cực hơn. Tôi hy vọng việc này sẽ được từng bước giải quyết để đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến”, ông Thành nói.
P.V