Để công viên 29-3 thực sự là điểm đến an toàn cho người dân và du khách

Thứ tư, 06/03/2019 14:40

Người dân Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác khi đến với thành phố biển đều có dấu ấn tốt đối với địa chỉ quen thuộc-Công viên 29-3 nằm ngay trong lòng thành phố, được ví như lá phổi xanh quý giá của TP và một không gian rộng lớn, là một trong những địa điểm vui chơi, giải trí, thể dục-thể thao, điểm sinh hoạt lý tưởng cho nhân dân và du khách. Công viên 29-3 còn là nơi tổ chức lễ hội, hội diễn; các hoạt động triển lãm, sự kiện đường phố... và là điểm tổ chức các buổi sinh hoạt đội nhóm, hoạt động nghệ thuật và sự kiện chính trị trên địa bàn Q.Thanh Khê.

Lãnh đạo Q.Thanh Khê trồng cây xanh tại Công viên 29-3.

Thế nhưng mới đây, khi có dịp trở lại Công viên 29-3, người viết ngỡ ngàng khi chứng kiến sự xuống cấp nặng nề của Công viên. Theo ông Vương Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao Q.Thanh Khê, đơn vị được UBND Q.Thanh Khê giao nhiệm vụ quản lý, điều hành: "Sau tiếp quản Công viên vào đầu năm 2018, Q.Thanh Khê đã đầu tư thêm, sửa chữa nhiều hạng mục, nhưng các tiện ích bên trong công viên phục vụ vui chơi, giải trí, thể dục cho người dân, cộng đồng còn quá nghèo nàn, xuống cấp nặng nề. Các trang thiết bị, trò chơi được đầu tư từ năm 1995, gần nhất cũng là vào năm 2010 nên đã hư hỏng, gỉ sét nặng". Sau khi đi thực tế một vòng quanh Công viên 29-3 mới thấy ý kiến của ông Kiệt rất xác đáng.

Đối với hoạt động vui chơi trên mặt đất có các thiết bị đã bị hỏng, không sử dụng được gồm: thuyền chao, đĩa bay, ô-tô đảo bán nguyệt, nhà cười, nhà hơi 1 và 2, xe điện tự lái, thảm bay. Bên cạnh đó, qua thời gian dài sử dụng cùng với việc bị ảnh hưởng với điều kiện thời tiết, đến nay các loại hình trò chơi phục vụ trẻ em như máy bay thủy lực, xe thế năng, xe đạp trên không, rồng cao tốc, tàu điện trên không, tàu lửa, sàn quay thú nhún, đu quay bạch tuộc, nhà banh... đã cũ kỹ, không còn sử dụng được mặc dù đã nhiều lần sửa chữa. Còn các hoạt động vui chơi trên hồ như loại thuyền thiên nga đạp nước được lắp đặt từ năm 2008 hiện đã nằm bờ 12 chiếc. Riêng khu vực Nhà hàng Thùy Dương (cũ) đã xuống cấp, không hoạt động kể từ ngày nhận bàn giao đến nay.

Thường xuyên đến Công viên 29-3 tập thể dục, ông Nguyễn Thanh Ngọc, P.Tân Chính, Q.Thanh Khê và ông Trần Văn Dư, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng đều cho rằng, cần phải "xóa sổ" chuồng thú hoặc phải di chuyển đi nơi khác do cơ sở vật chất đã cũ, các chuồng thú, hàng rào bảo vệ xuống cấp, hư hỏng. Ngoài ra, khu vực chuồng thú lại sát khu dân cư nên ảnh hưởng đến môi trường chung quanh, người dân ở khu vực lân cận phản ảnh nhiều lần. Thêm vào đó, hệ thống bờ đê bao quanh hồ nước cũng đang xuống cấp hư hỏng, sạt lở, không đảm bảo an toàn, nhất là với trẻ em...

Ông Kiệt cho biết thêm, qua 1 năm được giao quản lý và khai thác, địa phương đã đầu tư giải quyết dứt điểm việc xả nước thải vào hồ Công viên của các hộ dân sát tường rào phía Đông; thay mới hệ thống điện chiếu sáng, lắp đặt hệ thống loa thông tin; trang bị ghế đá; tăng cường công tác bảo vệ; tiếp tục duy tu, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ... "Nhìn chung, Công viên 29-3 được UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết là phù hợp đối với một công viên mở trong giai đoạn hiện nay (từ năm 2018-2020), có đầy đủ công năng, loại hình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt, thư giãn và các hoạt động TDTT phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, việc định hướng phát triển Công viên 29-3 trong tương lai cũng sẽ được thực hiện song song, sau khi có sự điều chỉnh tổng thể ranh giới đất và ổn định các dự án quy hoạch và cải tạo trong khuôn viên khu vực công viên"-ông Kiệt khẳng định.

PHƯƠNG KIẾM