Để Đà Nẵng là nơi “đất lành chim đậu”

Thứ sáu, 21/04/2017 09:02

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng với kỷ lục 7 lần dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Vậy Đà Nẵng được gì từ PCI? PCI đã góp phần nâng cao vị thế của Đà Nẵng như thế nào? Chỉ số thành phần nào cần cải thiện hơn nữa? Giải pháp để duy trì, phát triển vị trí dẫn đầu chỉ số PCI trong những năm đến?... Đó là chủ đề được nêu ra tại buổi đối thoại trực tuyến “PCI và vị thế Đà Nẵng” do Cổng Thông tin Điện tử thành phố tổ chức ngày 20-4.

Giữ vững ngôi vị đầu PCI

TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội cho biết, năm 2016, Đà Nẵng tiếp tục giữ vững ngôi vị đầu bảng và điểm số tăng rõ rệt, cán mức 70 điểm, tăng 1,66 điểm so với năm 2015. Trong đó, có 7 chỉ số thành phần tăng điểm và tăng hạng, đó là Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố; Chất lượng đào tạo lao động; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định nhà nước; Thiết chế pháp lý; Cạnh tranh bình đẳng; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận đất đai, sự ổn định trong sử dụng đất và Dịch vụ hỗ trợ DN lại giảm điểm.

Theo đại diện Sở KH & ĐT, việc tiếp tục giữ vững vị trí đầu bảng PCI năm 2016 là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo thành phố và các Sở, ban ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định và phát triển bền vững. Năm 2016, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục liên quan đến DN, thành phố đã triển khai vận hành có hiệu quả mô hình “Một cửa điện tử tập trung”;  “Mô hình dịch vụ trả kết quả hồ sơ tận nhà cho công dân, tổ chức, DN”. Đến nay đã có 63.305 hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả qua dịch vụ chuyển phát nhanh của Bưu điện thành phố.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng tập trung cải thiện 10 tiêu chí về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nhóm nước ASEAN theo lộ trình năm 2017 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí khởi sự kinh doanh với mục tiêu đạt được cuối năm 2017 là 12,5 ngày đến năm 2020 còn 8 ngày; rút ngắn thủ tục cấp phép xây dựng từ 94-141 ngày xuống 70-88 ngày; rút ngắn thủ tục tiếp cận điện năng từ 25 ngày xuống 18 ngày; thủ tục đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản từ 20 ngày xuống 16-20 ngày. Một số thủ tục hành chính khác như thực hiện thuế và bảo hiểm xã hội từ 168 giờ xuống 115 giờ, giao dịch thương mại qua biên giới từ 160 giờ xuống 110 giờ...

Cũng theo đại diện Sở KH & ĐT, năm 2016, Sở đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho hơn 4.000 DN, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2015, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 18.680 DN với tổng vốn điều lệ trên 90.600 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong quý I - 2017, Đà Nẵng cấp mới được 16 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6,128 triệu USD. Có 2 dự án đầu tư tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 759 nghìn USD.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Vì sao thu hút FDI vẫn ở... tốp cuối?

Đặt vấn đề về tính năng động của lãnh đạo thành phố dưới góc nhìn của DN, ông Nguyễn Kỳ Anh, Phó Giám đốc Ban xúc tiến Đầu tư cho rằng, tính năng động của chính quyền thành phố được thể hiện qua: thái độ tích cực của chính quyền đối với khu vực tư nhân, hay những sáng kiến tốt ở lãnh đạo cấp trên cũng được thực thi tốt ở các cấp dưới. Thông qua các Chương trình “Năm DN Đà Nẵng”, Đề án phát triển DN giai đoạn 2015 – 2020, Chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp... Để cụ thể các chủ trương trên, Đà Nẵng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, thu hút đầu tư như chính sách hỗ trợ mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh, thành lập và cấp vốn cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng hỗ trợ DN, bổ sung vốn cho Quỹ Đầu tư Phát triển để hỗ trợ DN vay sản xuất, xuất khẩu, tham gia bình ổn giá...

“Những nỗ lực không ngừng của lãnh đạo thành phố đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao qua việc bình chọn Đà Nẵng là địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam, dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính, nằm trong Top dẫn đầu cả nước về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)”, ông Nguyễn Kỳ Anh cho hay.

Trả lời câu hỏi vì sao các chỉ số đều dẫn đầu nhưng thu hút đầu tư nước ngoài thì đứng cuối, đại diện Sở KH & ĐT cho rằng, một nhà đầu tư, ngoài tính minh bạch của môi trường đầu tư thì sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng, trình độ của nhân lực, dịch vụ logistics, giao thông vận tải là những yếu tố quyết định đầu tư của họ. Đồng thời, quy mô thị trường, sức mua của người dân cũng là những nhân tố khách quan trong thu hút đầu tư. Thành phố đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư như hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong Khu Công nghệ cao, phát triển mới các Khu công nghiệp (KCN) nhằm cải thiện quỹ đất thì hạn chế. Hiện nay, xây dựng quỹ đất ngoài KCN còn rất ít không đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra, Đà Nẵng hiện tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNC, dịch vụ chất lượng cao để tạo sự khác biệt với các tỉnh, thành phố trong khu vực làm cơ sở phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững cho thành phố thời gian tới nên đã từ chối một số dự án công nghiệp gây ô nhiễm môi trường...

TS Nguyễn Văn Hùng gửi gắm: “Vị trí dẫn đầu về điểm số PCI chưa phải là mục tiêu, đích đến cuối cùng của chính quyền thành phố mà điều thành phố quan tâm là phải vượt lên trên chính mình, phải hướng đến những lợi ích thật sự cho DN, thu hút nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. Thành phố phải luôn trăn trở về trách nhiệm, vai trò tiên phong của mình và không ngừng vận động để tiến lên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ cộng đồng DN; đồng thời làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, DN yên tâm đầu tư, làm việc tại Đà Nẵng, để Đà Nẵng thực sự trở thành nơi “đất lành chim đậu”.

Xuân Đương