Để Đà Nẵng là trung tâm nghề cá lớn cả nước(Bài cuối: Phải làm bằng tình yêu nghề cá và trách nhiệm với ngư dân)

Thứ sáu, 14/08/2020 16:10

Là khu vực duy nhất của TP còn sót lại có thể phát triển thành trung tâm nghề cá lớn, do vậy phải quy hoạch bài bản, sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước ở Thọ Quang bằng tình yêu nghề cá và trách nhiệm với ngư dân.

Xóa “điểm nóng” ô nhiễm môi trường âu thuyền Thọ Quang sử dụng hiệu quả mặt nước, hình thành trung tâm nghề cá lớn.

Xóa “điểm nóng” âu thuyền

Với khoảng 50 ha mặt nước, âu thuyền Thọ Quang không chỉ là nơi neo trú cho hàng ngàn tàu thuyền mà với các cầu cảng gắn với chợ cá, thị trường tiêu thụ thủy sản thuận lợi, cho nên luôn là lựa chọn hàng đầu cho các tàu khai thác thủy sản khu vực miền Trung. Tuy vậy, việc thiếu kiểm soát nguồn thải (nước thải, chất thải rắn) trong thời gian dài trước kia đã biến âu thuyền, cảng cá thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường dai dẳng, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng ngàn hộ dân xung quanh. Để trở thành trung tâm nghề cá lớn với hệ thống cảng xếp dỡ hiện đại, chợ cá tiêu chuẩn, thì việc cần kíp phải xóa “điểm nóng” ô nhiễm môi trường âu thuyền. Hiện tại lớp bùn đáy dưới âu thuyền dày khoảng 1,5m, mùa hè sục khí, bốc mùi hôi khiến cả khu vực ảnh hưởng.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, TP mới ban hành kế hoạch tổng thể kéo dài 5 năm để xóa “điểm nóng” âu thuyền, cảng cá Thọ Quang với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng. Theo đó, song song với việc nạo vét lớp bùn đáy (kết thúc vào năm 2022) sẽ triển khai các giải pháp kiểm soát chặt nguồn phát thải gây ô nhiễm cho âu thuyền, nhất là nguồn thải từ tàu thuyền neo đậu thông qua hệ thống camera giám sát. Cụ thể hơn, trong 2 năm tới sẽ chấm dứt tình trạng nước thải đô thị đổ vào âu thuyền qua các cửa xả mùa khô, 50% tàu cá cập cảng phải chuyển giao nước thải, 80% tàu cá chuyển giao rác thải rắn sinh hoạt để đơn vị quản lý dịch vụ cảng xử lý. Kinh phí này, 100% tàu thuyền phải nộp. Để thực hiện mục tiêu này, TP sẽ cho đầu tư các nhà vệ sinh công cộng, lắp hệ thống camera, lắp trạm kiểm soát tại cửa thông tàu ra vào âu thuyền để quản lý nguồn phát thải. Theo kế hoạch, 5 năm tới “điểm nóng” âu thuyền, cảng cá Thọ Quang sẽ được xóa bỏ với các chỉ tiêu như 100% nước thải qua âu thuyền được xử lý, 100% tàu cập cảng phải chuyển giao nước thải, rác thải sinh hoạt, thực hiện dịch vụ vệ sinh trước khi neo đậu và rời âu thuyền.

Một số DN chế biến thủy sản tại KCN thủy sản Thọ Quang sẽ được giữ lại còn nhiều DN khác chuyển đổi sang thương mại dịch vụ.

Làm gì với khu công nghiệp chế biến?

Nghề cá cung cấp nguồn hải sản tươi ngon, tạo thương hiệu ẩm thực cho TP thu hút du khách. Mặt khác, nếu qui hoạch, xây dựng hạ tầng bài bản, hiện đại tại khu vực cảng cá thì hoàn toàn có thể biến thành điểm tham quan, mang giá trị bản địa, đặc trưng cho du khách. Thế giới có rất nhiều cảng cá đồng thời là nơi tham quan, trải nghiệm ẩm thực địa phương hấp dẫn cho du khách. Ông Trần Văn Lĩnh nói, qua khảo sát khắp TP để tìm địa điểm phát triển trung tâm nghề cá thì không còn khu vực nào, ngoại trừ khu vực Thọ Quang, bao gồm cả âu thuyền, khu công nghiệp (KCN) chế biến hiện nay. Do quỹ đất ở đây rất hiếm nên việc sử dụng phải thật hiệu quả. Ông Lĩnh nói, hiện nay chế biến thủy sản tại khu vực này đông, gây ô nhiễm nhưng không mang lại hiệu quả cao, chiếm diện tích đất lớn. Toàn bộ doanh số xuất khẩu của KCN này khoảng 180 triệu USD/năm, trong đó 2 DN sử dụng diện tích đất chỉ bằng 1/ 10 là Cty Thuận Phước và Thọ Quang đã chiếm doanh số xuất khẩu hơn 50%. Do vậy, không nên duy trì các nhà máy chế biến thiếu hiệu quả mà nên qui hoạch lại, chuyển đổi sang thương mại dịch vụ hậu cần nghề cá. Cụ thể, sau khi cảng cá được nâng cấp, rất cần những khu vực kho đông lạnh để bảo quản đảm bảo dự trữ khi thủy sản vào ồ ạt, tránh tình trạng được mùa mất giá. Hiện nay chưa có kho bảo quản, tiêu dùng cho cả khu vực đánh bắt này, các kho lạnh hiện chỉ có trong các DN chế biến nhưng rất nhỏ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, KCN thủy sản Thọ Quang có 41ha với 47 DN. TP đã phê duyệt đề án chuyển đổi ngành nghề các dự án chế biến thủy sản sang thương mại dịch vụ với 2 phân khu. Theo đó, phân khu 1 qui hoạch sản xuất, là khu vực nằm xa khu dân cư, tiếp giáp với âu thuyền, cảng cá Thọ Quang qui mô khoảng 16,2 ha, hiện trạng có 9 dự án, đa số là các DN chế biến thủy sản lâu đời, có qui mô lớn, có nhiều đóng góp vào ngân sách TP. Phân khu 2 về thương mại dịch vụ có qui mô 24,6 ha, 38 dự án, trong đó có 9 dự án có mong muốn tiếp tục sản xuất thủy sản với tổng diện tích 6,7 ha và 29 dự án với ngành nghề hiện trạng thương mại dịch vụ, tổng diện tích hơn 17 ha. Sau khi qui hoạch chung TP được duyệt, TP sẽ giao Sở Xây dựng, cập nhật đề án vào qui hoạch phân khu, Sở tài nguyên sẽ điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất, BQL Khu CNC các KCN sẽ thực hiện thủ tục chuyển đổi đất sản xuất thành đất thương mại dịch vụ cho DN.

Theo định hướng, sau khi chuyển đổi sang thương mại dịch vụ, khu vực này sẽ có những showroom hiện đại chuyên về thủy sản, các dịch vụ cung cấp, trưng bày ngư lưới cụ, trường dạy nghề đánh cá... Cả khu vực sẽ được định hình thành một bảo tàng sống động để du khách tham quan, trải nghiệm, đời sống ngư dân với nét văn hóa bản địa đặc sắc, thưởng thức đặc sản hấp dẫn từ đại dương... “Tôi nghĩ rằng cần phải qui hoạch có tâm có tầm, có kiến thức đầy đủ về ngành công nghiệp đánh cá, trên cơ sở tình yêu với nghề cá, trách nhiệm với ngư dân, tổ quốc. Có như vậy nơi đây mới sớm trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả nước”- ông Lĩnh chia sẻ.

HẢI QUỲNH

>> Để Đà Nẵng là trung tâm nghề cá lớn cả nước (Bài 1: Bức thiết nâng cấp cảng cá)