Để dân ca xứ Nghệ có sức lan tỏa trong cộng đồng

Thứ năm, 20/12/2018 11:11

Từ chỗ chỉ có 60 câu lạc bộ năm 2013, đến nay, tỉnh Nghệ An đã phát triển được hơn 100 Câu lạc bộ dân ca ví, giặm. Qua đó, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy dân ca Nghệ Tĩnh, tạo thêm sự phong phú cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, với hình thức hoạt động tự nguyện, hiện nay, nhiều câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở Nghệ An hoạt động cầm chừng, chưa có chiều sâu, xu hướng lắng lại.

Hát Ví trên sông Lam. 

Câu lạc bộ dân ca ví, giặm P. Vinh Tân, TP Vinh được khán giả biết đến bởi trong các kỳ Liên hoan dân ca ví, giặm của tỉnh Nghệ An luôn đạt thành tích cao. Thành lập năm 2011, là mô hình Câu lạc bộ dân ca cấp tỉnh, Câu lạc bộ này một thời từng hoạt động sôi nổi, không chỉ thu hút hội viên hưu trí mà hội tụ cả những người lao động, tiểu thương, học sinh cùng tham gia. Tuy nhiên 2 năm nay, Câu lạc bộ hoạt động có dấu hiệu chững lại. Nếu như trước đây, cứ 3 tháng, Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt một lần, hiện nay 6 tháng thậm chí cả năm mới tổ chức sinh hoạt một lần. Chị Hoàng Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, mọi thành viên trong câu lạc bộ đều say mê, tâm huyết, tuy nhiên kinh phí hiện nay là vấn đề khó khăn. Ở Vinh Tân, với tinh thần tự nguyện, mỗi năm một thành viên đóng góp vào quỹ từ 100-200.000 đồng/người. Số tiền đó, chỉ đủ tiền nước uống cho mọi người qua mỗi kỳ sinh hoạt. Để duy trì thường xuyên rất khó, vì không có kinh phí thuê áo, quần cho thành viên trong các buổi biểu diễn...

Tới thăm Câu lạc bộ dân ca xã Vân Diên, H. Nam Đàn mới thấy hết niềm tự hào của các thành viên khi tham gia Câu lạc bộ này. Mặc dù mới đi vào hoạt động được hai năm nay nhưng tháng nào, Câu lạc bộ cũng sinh hoạt thường xuyên vào đêm 16 âm lịch. Theo nghệ nhân Nguyễn Thùy Dung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, lâu nay, các Câu lạc bộ dân ca ví, giặm thành lập trên tinh thần tự nguyện, kinh phí hoạt động tự đóng góp. Một hội diễn, Câu lạc bộ chỉ được huyện hỗ trợ 3 triệu đồng cho khoảng 35 thành viên. Với sự thiếu quan tâm này, hoạt động của các Câu lạc bộ dân ca đang “đuối” dần. Vì thế, thay vì phát triển về số lượng, mỗi huyện, thành, thị chỉ cần thành lập một câu lạc bộ. Hàng năm, chính quyền sẽ có chính sách hỗ trợ câu lạc bộ kinh phí nhất định để duy trì hoạt động thường xuyên. Liên quan đến hoạt động của các Câu lạc bộ dân ca ví, giặm hiện nay, nghệ sĩ nhân dân Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ thừa nhận: Hoạt động của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm trên địa bàn đang đi xuống bởi sự thiếu quan tâm, đầu tư từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, sinh hoạt của một số Câu lạc bộ còn thiên về tập luyện, đối phó để tham dự các cuộc thi, liên hoan, thiếu tính phổ biến thường nhật trong cộng đồng. Trước thực tế trên, để duy trì bền vững hoạt động các câu lạc bộ dân ca ví, giặm, theo NSND Trịnh Hồng Lựu là không khó nếu cho họ một sân khấu để luyện tập và biểu diễn thường xuyên. Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng mô hình và thực hiện chính sách khen thưởng cá nhân, tập thể trong việc bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm... Ví, giặm cùng các loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian khác đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng, bồi đắp cho tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam. Vì thế, để dân ca xứ Nghệ được bảo tồn, có sức lan tỏa trong cộng đồng, điều quan trọng nhất vẫn là phát huy vai trò của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm. Muốn vậy, ngoài sự nhiệt tình của người dân, đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt, cần sự quan tâm của các cấp để tạo điều kiện cho các câu lạc bộ dân ca ví, giặm hoạt động bền vững, có chiều sâu.

B.H