Để không ai lãng quên...

Thứ ba, 23/11/2021 16:20

Sau khi cống hiến cả tuổi xuân cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu binh quê ở H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nhập ngũ đợt đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất (tháng 11-1976) vẫn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Nhiều người trong số họ còn tham gia giữ các cương vị chủ chốt trong các tổ chức hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và luôn nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào...

Các cựu binh nhập ngũ năm 1976 quê H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) trong ngày vui hội ngộ.

45 năm trước, Đảng bộ và nhân dân H. Hòa Vang (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) đã tiễn đưa 991 thanh niên (trong có 50 nữ) của 19 xã trên địa bàn lên đường nhập ngũ với lời thề son sắt: “Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Trong đó, địa phương có số thanh niên nhập ngũ nhiều nhất là xã Hòa Tiến với 130 người, xã có số thanh niên nhập ngũ ít nhất là xã Hòa Minh (nay là P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) 10 người…

Sau một thời gian huấn luyện, nhiều người trong số họ được điều động làm nhiệm vụ ở chiến trường K với nhiều trận đánh đầy cam go, ác liệt như: cao điểm 61, Mỏ Vẹt, vượt sông Mê Kông giải phóng Xiêm Riệp, Bát Tam Bang, Bong Lung. Sau khi giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, họ lại tiếp tục hành quân thần tốc tham gia các mặt trận biên giới phía Bắc, như Than Uyên (Hoàng Liên Sơn), Mai Pha (Lạng Sơn)… Tất cả đã ghi vào ký ức của họ các dấu ấn không thể nào quên về những cuộc chiến ác liệt và sự hy sinh dũng cảm, quên mình của đồng chí, đồng đội; góp phần cùng các lực lượng khác viết thêm những trang sử vàng chói lọi cho truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cựu binh Nguyễn Phước Tích (xã Hòa Nhơn) nhớ lại, cuối năm 1976, trời rét như cắt da, nhưng đơn vị huấn luyện tân binh của ông vẫn cứ báo động triền miên. Thấm nhuần quân lệnh: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, các chiến sĩ mới như ông liên tục được rèn luyện hành quân dã ngoại, mỗi lần như vậy cũng phải cuốc bộ hàng chục cây số đường đồi núi, sông suối đến bở hơi tai… Còn theo cựu binh Đặng Quang Hòa (xã Hòa Tiến), mùa khô năm 1977, ông làm nhiệm vụ ở nước bạn Campuchia. Gian khổ, hiểm nguy không làm ông chùn bước. Song, lòng người lính trẻ trong ông như thắt lại mỗi khi đọc thư của người vợ gửi qua tâm sự, kể chuyện con nhỏ cứ mỗi buổi chiều ngóng ra cánh đồng đợi cha về. Lúc đó, ông phải kìm lòng giấu đi những giọt nước mắt… “Giữa nơi chiến trường xa xôi, sợi dây liên lạc giúp người ở lại và người ra đi vững tâm chiến đấu, hy vọng và thêm niềm tin trở về đối với chúng tôi có lẽ chỉ thông qua những bức thư chứa đựng tình cảm, lời động viên của những người vợ, người yêu”, ông Hòa tâm sự.

Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, những người lính ngày nào giờ cũng đã lên chức “ông, bà”. Thế nhưng, tình cảm đồng đội trong họ vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Họ sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, động viên nhau vượt qua những khó khăn hiện tại. Cứ mỗi dịp gặp mặt là họ luôn ôn lại những kỷ niệm của một thời hào hùng và bồi hồi xúc động mỗi khi nhắc đến những đồng đội đã nằm xuống, để họ có được cuộc sống thanh bình như hôm nay… Dẫu rằng những năm tháng ấy, tài sản riêng tư của họ chỉ gói gọn trong chiếc ba-lô con cóc, bữa cơm phải độn thêm khoai, sắn, bệnh tật sốt rét cứ đeo đuổi triền miên, cái chết luôn rình rập nhưng những gian khó ấy đã không làm họ nản chí, trái lại còn gắn kết thêm nghĩa tình với những người lính đến từ mọi miền của Tổ quốc. Có rất nhiều điều để nói về một thời của lính. Song, cũng có một điều không thể phủ nhận là trong gian khổ, khó khăn, họ đã được tôi luyện và trưởng thành; tình đồng chí, đồng đội ngày càng thêm sâu sắc.

“Ngày ấy và bây giờ, chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh, có người may mắn con cái trưởng thành, nhiều người tuổi đã cao vẫn còn bám ruộng đồng mưu sinh. Một số người trở về do giấy tờ thất lạc, đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ một chế độ đãi ngộ nào. Thế nhưng, có một điều vô cùng thiêng liêng mà chúng tôi luôn trân trọng, giữ gìn đó là không đánh mất một thời “hoa lửa” của mình nên mỗi lần có dịp hội ngộ là chúng tôi luôn nhắc lại để nhớ, để không ai lãng quên…”, cựu binh Lê Văn Tiến (xã Hòa Châu) trải lòng.

VY HẬU