Để không phải… “giá như”!
- Lại tiếc nuối gì nữa NXD?
- Liên tiếp mấy vụ tai nạn đáng tiếc gần đây đó tư Liên Chiểu. Như câu chuyện đuối nước mùa hè cũng vậy, cứ mỗi lần xảy ra hậu quả thương tâm, lại hỏi giá như thế này, giá như thế kia!

- Phải, mới đầu hè, vụ đuối nước thương tâm ở biển Quảng Ngãi chưa nguôi ngoai, lại đến vụ 2 học sinh tử vong ở biển Nam Ô. Cứ khi hậu quả xảy ra mới lo đi cảnh báo, phòng tránh…
- Sau vụ 2 học sinh tử vong ở biển Nam Ô thì Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng (BQL) đã cắm thêm nhiều biển cảnh báo tại khu vực bãi biển Nam Ô với nội dung cảnh báo nguy hiểm, không có người cứu hộ, cấm tắm biển. Theo BQL, khu vực này không phải bãi tắm biển phục vụ du khách thường xuyên, nên sau khi xảy ra vụ đuối nước thương tâm đã cử một đội cứu hộ lên túc trực theo dõi, hướng dẫn người dân khi xuống biển. Phía địa phương thì cho biết, bãi biển Nam Ô có nhiều ghềnh đá, vào mùa rêu thường thu hút rất đông du khách, tưởng cạn nhưng rất xoáy, nước xiết, khi tắm dễ bị sóng cuốn trôi. Sau vụ đuối nước, địa phương cũng nhắc nhở, hướng dẫn người dân khi đến vùng biển này.
- Nói chung là cứ phải “cẩn tắc vô áy náy”. Đà Nẵng là thành phố du lịch biển nên phải rà soát tất cả các khu vực bãi biển nguy hiểm để cảnh báo cho người dân chủ động phòng tránh.
- Theo NXD nghĩ, ngoài việc cảnh báo thì phải phòng ngừa, tạo kỹ năng chống đuối nước từ gốc cho trẻ. Không chỉ học kỹ năng chống đuối nước ở trường, mà cần gia đình, các tổ chức xã hội thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho trẻ mới trở thành kỹ năng để ứng phó. Ra biển nhiều trẻ thấy cắm cờ màu đỏ, màu vàng, màu xanh còn không hiểu mức độ nguy hiểm thế nào, có được tắm không. Khi có bạn đuối nước thì bơi ra cứu nhưng cả hai cùng tử vong, nhưng nếu có kỹ năng, ở trên bờ cũng có thể cứu sống được bạn.
N.X.D