Đề nghị các bên không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông
Chiều 24-6, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin gần đây tàu trinh sát và máy bay Trung Quốc được phát hiện tại đảo đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm đến chủ quyền, các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.
“Trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế như hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, có đóng góp thiết thực và tích cực vào việc duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Về việc Trung Quốc mới đây đã triển khai dự án gắn thẻ tên nhằm ghi nhận các loài thực vật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối.
* Trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam đối với Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2020 của Cơ quan đối ngoại châu Âu (EU), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Chúng tôi ghi nhận những đánh giá về thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ quyền lao động, chống lao động trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới trong Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2020 của Cơ quan đối ngoại EU. Rất tiếc là trong báo cáo còn một số nội dung chưa khách quan, dựa vào những thông tin không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam.
“Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam. Thực tế là hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet, mạng xã hội quốc tế và trong nước. Tại Việt Nam, không ai bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền”, Người Phát ngôn khẳng định.
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm, như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Quá trình điều tra, xét xử và giam giữ được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật, quyền của người bị giam giữ được đảm bảo.
B.T - TTXVN