Đề nghị cấm xuyên tạc, bịa đặt lịch sử để quảng cáo cho sản phẩm

Thứ bảy, 14/04/2018 13:41

Các ĐB góp ý nội dung dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi.

Để chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 13-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thanh Quang- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.

Dự thảo Luật cạnh tranh gồm 10 chương, 123 điều quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý Nhà nước về cạnh tranh...

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Quang cho rằng, điều 14 của dự thảo luật quy định một số trường hợp miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm chưa cụ thể, còn chung chung, cần quy định rõ hơn. ĐB Quang cũng đề nghị bổ sung quy định về quyền khởi kiện dân sự ra tòa trong trường hợp bị cạnh tranh không lành mạnh và cho rằng đây là quy định cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp. ĐB Bùi Văn Tiếng đề nghị cần bổ sung quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm đối với hành vi xuyên tạc, bịa đặt lịch sử để quảng cáo cho sản phẩm của mình, bên cạnh đó việc lập doanh nghiệp bình phong, lợi dụng nhiệm vụ quốc phòng an ninh để hưởng các ưu đãi, cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp đối thủ cũng cần được đề cập xem xét. ĐB Đỗ Anh Tuấn băn khoăn việc xác định thị phần nên căn cứ vào tiêu chí nào, đồng thời đề nghị nghiêm cấm hành vi bán sản phẩm dưới giá thành đối với mọi đối tượng vì đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. ĐB Tuấn cũng cho rằng, Điều 47 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm còn sơ sài, cần quy định thêm các hành vi như: đưa thông tin giả; không giải thích rõ ràng gây nhầm lẫn; câu kết với cơ quan Nhà nước gây chậm trễ làm mất cơ hội cạnh tranh; sử dụng các nguồn lực, tiền, nhân sự, cơ sở vật chất của Nhà nước để cạnh tranh không lành mạnh... cũng cần được xem là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị cấm.

Ý kiến một số ĐB cho rằng quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương là chưa hợp lý, nếu giao cho Bộ này thì cũng cần quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý Nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh. Có ý kiến ĐB đề nghị quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Một số ý kiến cho rằng quy định về mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, tập trung kinh tế căn cứ trên tổng doanh thu của doanh nghiệp quy định tại Điều 116 là chưa hợp lý, đề nghị mức phạt tiền tối đa phải được xác định căn cứ vào doanh thu của loại hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm...

Thay mặt Đoàn ĐBQH TP, ông Nguyễn Thanh Quang cảm ơn các ĐB đã đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật và  cho biết sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý của các Đại biểu. Đoàn ĐBQH TP sẽ tập hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉnh lý bổ sung vào dự thảo Luật cho phù hợp trước khi trình Quốc hội thông qua.

K.T