Đề nghị đưa cán bộ công chức xã, phường vào diện điều chỉnh của Luật Cán bộ công chức sửa đổi

Thứ bảy, 31/08/2019 19:14

Ngày 30-8, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Bá Sơn chủ trì hội nghị với sự tham dự của Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Minh Trung, đại biểu các cơ quan, ngành, đơn vị liên quan.

Các đại biểu đóng góp ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Viết Hùng- Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cơ bản đồng tình với dự thảo Luật và báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Góp ý về phân loại đánh giá công chức quy định tại khoản 1, điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung có nội dung: Công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý có 2 năm không liên tiếp trong thời hạn bổ nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ thì được bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại; công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý có 2 năm liên tiếp trong 3 năm không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đảm nhận thì bố trí vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn, đại biểu Hùng đề nghị cần làm rõ cụm từ "vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn", vì "thấp hơn" là như thế nào thì trong dự thảo Luật quy định chưa rõ. Đại biểu Hùng cũng không đồng tình quan điểm: Công chức giữ chức vụ quản lý 2 năm không liên tiếp trong thời gian bổ nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ thì được bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm và đề nghị nên cho thôi giữ chức hoặc thôi việc để có tính răn đe, giữ kỷ luật kỷ cương nghiêm. Tương tự, đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm không liên tiếp thì cho thôi việc.

Về hệ quả đối với cán bộ công chức bị xử lý kỷ luật, đại biểu Hùng cho rằng quy định đối với trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo thì không thực hiện việc nâng lương ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong 12 tháng như trong dự thảo Luật là không hợp lý, không công bằng mà đề nghị, nếu bị khiển trách thì thời gian không nâng lương, bổ nhiệm chức vụ cao hơn là 12 tháng, nếu bị cảnh cáo thì thời gian cần tăng lên là 18 tháng, nếu bị giáng chức hoặc cách chức thì thời hạn này là 24 tháng, vừa đảm bảo tính răn đe, vừa thể hiện sự nghiêm túc trong thi hành kỷ luật.

Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay Bộ Công an đã đưa CA chính quy về xã, TP Đà Nẵng và nhiều nơi khác cũng đã thực hiện, vì vậy cần nghiên cứu có nên đưa chức danh công chức Công an vào cán bộ công chức xã không.

Về việc thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới, các đại biểu ủng hộ phương án: Viên chức được tuyển dụng mới sẽ ký hợp đồng lao động có thời hạn, sau khi kết thúc hợp đồng có thời hạn nếu đủ điều kiện sẽ thực hiện việc ký hợp đồng phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động. Về xử lý kỷ luật công chức, ý kiến một số đại biểu cũng đề nghị cần quy định phù hợp với quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vì trong dự thảo Luật, thời hiệu xử lý đối với hình thức kỷ luật khiển trách là 2 năm, cảnh cáo là 5 năm, các trường hợp còn lại không tính thời hiệu, trong khi đó, quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, đối với trường hợp khiển trách là 5 năm, cảnh cáo là 10 năm, khai trừ và các loại như trong dự thảo, còn lại không tính thời hiệu. Đại biểu Huỳnh Bá Cử ( Phó Ban pháp chế HĐND TP) đề nghị đưa cán bộ công chức xã, phường vào diện điều chỉnh của Luật Cán bộ công chức sửa đổi. Đại biểu Cử cũng đề nghị về chính sách đãi ngộ đối với người tài năng trong hoạt động công vụ cần quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định thì hợp lý hơn...

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Bá Sơn cho biết: Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức có tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ công chức viên chức Nhà nước, tác động trực tiếp đến sự vận hành của bộ máy Nhà nước và nhiều cơ quan hành chính, đơn vị và cá nhân cán bộ công chức, viên chức. Ý kiến đóng góp của các đại biểu là rất thiết thực, Đoàn ĐBQH TP sẽ tiếp thu và trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 21-10 sắp tới.

K.T