Đề nghị giữ nguyên mô hình VKSND cấp huyện như hiện nay
(Cadn.com.vn) - ĐÀ NẴNG- Ngày 26-4, Đoàn ĐBQH và VKSND TP phối hợp tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi. Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP và ông Phan Trường Sơn, Viện trưởng VKSND TP đồng chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo các phòng nghiệp vụ VKSND TP và VKSND quận, huyện. Dự thảo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi có kết cấu 7 chương, 13 mục, 107 điều; giảm 4 chương, tăng 57 điều so với Luật Tổ chức VKSND hiện hành, trong đó sửa đổi 73 điều, bổ sung mới 34 điều.
Các đại biểu đóng góp ý kiến dự thảo Luật. |
Về mô hình VKSND cấp huyện (khoản 4, điều 41 dự thảo Luật), đa số ý kiến các đại biểu (ĐB) cho rằng: Việc tổ chức VKSND cấp huyện tương ứng với TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện là phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND vì các lĩnh vực công tác của cấp kiểm sát này đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án; đảm bảo xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận công lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân, Nhà nước và xã hội.
Về vai trò của Ủy ban kiểm sát, các ĐB đề nghị tiếp tục quy định Ủy ban kiểm sát có vai trò quyết định đối với những vấn đề quan trọng của VKSND. Về nội dung, kiểm sát viên (KSV), đa số ý kiến đề nghị KSV chỉ được bổ nhiệm để làm các công tác thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, đề cao vai trò, trách nhiệm của chức năng KSV. Về nhiệm kỳ KSV, ý kiến các ĐB đề nghị KSV VKSND Tối cao được bổ nhiệm không thời hạn vì đây là các cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, đã được sàng lọc qua nhiều ngạch, bậc KSV. Các KSV khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.
Đoàn ĐBQHTP, VKSND TP tiếp thu, tập hợp ý kiến các ĐB để báo cáo, đề xuất Ban soạn thảo VKSND Tối cao điều chỉnh, bổ sung trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
K.Thanh