Đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
(Cadn.com.vn) - Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhất trí với Ủy ban Tư pháp Quốc hội về quy định tập trung chính sách hình sự, tội phạm và hình phạt trong Bộ luật Hình sự nhằm bảo đảm sự đồng bộ, minh bạch, nhất quán mang tính hệ thống của chính sách hình sự, bảo đảm tính thuận tiện trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật.
ĐB Huỳnh Nghĩa thống nhất phương án 2 tại khoản 2 Điều 12, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, vì thời gian qua, người chưa thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Việc sửa đổi, bổ sung cũng cần phải tính xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, kỹ thuật số và khả năng phạm tội của người chưa thành niên trong lĩnh vực này. Nếu quy định thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của đối tượng này như phương án 1 sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, khó bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.
Trung tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhất trí với quan điểm cần hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình đối với một số loại tội danh để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, ĐB đề nghị không thể bỏ hình phạt tử hình đối với các tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; chống loài người, phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; tội phạm chiến tranh, vì đây là những tội phạm hết sức nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của rất nhiều người. Còn đối với những tội phạm liên quan đến kinh tế thì mặc dù chúng ta đang nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng, nhưng bản chất của loại tội phạm này chỉ là lợi ích kinh tế nên nếu khắc phục được hậu quả về kinh tế thì về lâu dài không nhất thiết phải áp dụng hình phạt tử hình, nhưng trước yêu cầu về đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước ta hiện nay thì chưa nên bỏ.
Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thống nhất bổ sung các tội phạm mới như tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, ĐB đề nghị bổ sung thêm tội lạm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, nhằm ngăn chặn tình trạng người lao động đã đóng tiền bảo hiểm xã hội bằng cách bị trừ vào tiền lương hàng tháng, nhưng người sử dụng lao động lại dùng số tiền này vào việc khác mà không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Phạm Hữu Hoa