Đề nghị bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí không phù hợp
(Cadn.com.vn) - Ngày 26-5, các ĐBQH đã nghe trình bày và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phí và lệ phí; thảo luận tại hội trường dự thảo luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận tổ dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
ĐB Thân Đức Nam tham gia thảo luận tại Hội trường. |
Báo cáo trước QH về dự án Luật Phí và lệ phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua 13 năm triển khai thực hiện, cơ bản Pháp lệnh phí và lệ phí đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, như tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước năm 2012 là 29.112 tỷ đồng (bằng 3,9% tổng thu NSNN); năm 2013 là 31.271 tỷ đồng (bằng 3,8% tổng thu NSNN) và năm 2014 là 33.271 tỷ đồng (bằng 3,99 tổng thu NSNN). Thế nhưng, bên cạnh một số kết quả nêu trên, một số quy định của pháp luật phí, lệ phí đến nay không còn phù hợp, vì vậy, cần phải ban hành luật.
Để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công thì cần thiết rà soát chuyển các khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ. “Chỉ các dịch vụ công liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý Nhà nước như: phí phòng dịch y tế, phí thẩm định cấp giấy phép hành nghề,... thì quy định thu phí. Tuy nhiên, nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn, không nộp NSNN (như phí đường bộ qua trạm thu BOT; phí thẩm định kết quả đấu thầu; phí kiểm định phương tiện vận tải, phương tiện đánh bắt thủy sản) do liên quan đến an sinh xã hội nên Nhà nước cần quy định giá để đảm bảo xác định thời gian thu hồi vốn hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra về dự luật, ông Phùng Quốc Hiển (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH) cho rằng, Ủy ban tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Phí và lệ phí để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí và lệ phí. “Để đảm bảo đồng bộ, toàn diện, đầy đủ, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến phí và lệ phí vào Dự thảo Luật phí và lệ phí”, ông Hiển nói.
Thảo luận về Luật kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật chưa thể hiện đầy đủ nội dung trong luật như mục đích, đối tượng, nguyên tắc hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, cộng tác viên, hội đồng, quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán. ĐB đề nghị sửa đổi Điều 3 theo hướng, quy định mục đích kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước nhằm báo cáo hoặc đưa ra ý kiến đánh giá xác định tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật tài chính; hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý sử dụng tài sản công và nguồn lực thuộc trách nhiệm của quản lý Nhà nước. ĐB đề nghị luật quy định theo hướng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với tất cả các tài sản, nguồn lực được hình thành từ ngân sách Nhà nước, có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước hoặc thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước. |
Đặc biệt, ông Phùng Quốc Hiển nhất trí như tờ trình của Chính phủ là chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ, các khoản thu này đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá. Theo đó, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, đây là các lĩnh vực tác động mạnh đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ với QH về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với nội dung này.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, về bản chất Thuế môn bài là khoản lệ phí thu hàng năm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, cơ chế quản lý, thành lập doanh nghiệp ngày càng thông thoáng thì việc chuyển Thuế môn bài sang Lệ phí môn bài là hợp lý.
Cơ chế thu Lệ phí trước bạ đối với ô-tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy được quy định mức thu theo tỷ lệ khác nhau giữa các địa phương, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu, chưa bình đẳng về nghĩa vụ của công dân trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị cần quy định tỷ lệ thu về một mức đối với từng loại tài sản để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có số thu thấp, chi phí hành thu cao; một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân (như phí sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè, phí giao thông đối với xe gắn máy...) nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí hành thu.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong thực tế việc sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè để phục vụ cho trông giữ xe, kinh doanh dịch vụ là cần thiết, do vậy cần giữ lại khoản thu này. Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp quản lý để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tránh thất thu cho NSNN. Có ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách không nhất trí việc để lại tỷ lệ (%) số thu phí cho tổ chức thu phí và đề nghị quy định ngay trong Luật: toàn bộ các khoản thu phí được nộp 100% vào NSNN, các khoản chi cho tổ chức thu sẽ do NSNN đảm bảo và bố trí trong dự toán chi của các đơn vị.
Lê Hoàng Sa