Đề nghị kéo dài tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TAND Tối cao là 65 tuổi

Thứ bảy, 12/04/2014 11:21
Đồng chí Huỳnh Nghĩa chủ trì Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Tổ chức Tòa án.

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-4, đồng chí Huỳnh Nghĩa, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi với sự tham dự của các đại biểu (ĐB) là lãnh đạo TAND TP; lãnh đạo và thẩm phán các Tòa chuyên trách và TAND 7 quận, huyện. Dự thảo Luật này gồm 11 chương, 80 điều. Góp ý về nội dung tổ chức TAND sơ thẩm trong TAND, đa số ý kiến các ĐB  đồng tình với phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực vì cho rằng sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ cấu tổ chức TAND cấp huyện hiện nay.

Việc thành lập các TAND sơ thẩm khu vực nếu được Quốc hội thông qua sẽ kế thừa đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất hiện có của TAND cấp huyện là chủ yếu, tuy nhiên có sự sắp xếp, bổ sung, điều chỉnh và kiện toàn để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc đối với từng đơn vị và phù hợp  với điền kiện KT-XH từng địa phương nơi có TAND sơ thẩm khu vực. Về nhiệm vụ phát triển án lệ của TAND Tối cao, theo ý kiến các ĐB thì án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, TAND Tối cao có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật, do đó việc quy định nhiệm vụ xây dựng và phát triển án lệ sẽ đáp ứng yêu cầu phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật.

Về phía Tòa án, việc tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ xét xử trước đó sẽ giúp thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan sai. Việc phát triển án lệ là một trong những công cụ hữu hiệu để đảm bảo công lý, góp phần duy trì, ổn định trật tự pháp luật trong đời sống xã hội. Về nhiệm kỳ của thẩm phán, nhiều ý kiến cho rằng nhiệm kỳ của thẩm phán theo quy định hiện hành 5 năm là ngắn, chưa phù hợp, khiến thẩm phán không yên tâm công tác, đồng thời gây tốn kém thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm.

Nhiều ĐB đề nghị: thẩm phán TAND Tối cao bổ nhiệm không kỳ hạn; nhiệm kỳ của thẩm phán khác là 10 năm. Về tuổi làm việc của thẩm phán, các ĐB cho rằng thẩm phán càng có thời gian công tác lâu năm càng tích lũy được nhiều vốn sống, kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn có ích cho công tác xét xử, vì vậy đề nghị có quy định về tuổi làm việc của thẩm phán dài hơn so với các lao động thông thường, theo đó, thẩm phán TAND Tối cao làm việc đến 65 tuổi; thẩm phán khác thì nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi mới nghỉ hưu...

Những nội dung góp ý của các ĐB đã được Đoàn ĐBQH TP tiếp thu, tập hợp, báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua.

K.Thanh