Đề nghị quy định rõ hơn về nguyên tắc ủy quyền, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền

Thứ tư, 11/09/2019 14:24

Đà Nẵng- Ngày 10-9, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với sự tham dự của đại diện các cơ quan, ngành liên quan.

Các đại biểu góp ý dự thảo Luật.

Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức CQĐP. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa thực sự khắc phục được những bất cập, vướng mắc về tổ chức bộ máy, biên chế và thực tiễn quản lý của CQĐP hiện nay; cần phân định rõ tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; bổ sung các quy định về xã hội hóa dịch vụ công, thực hiện cải cách thủ tục hành chính...    

Có ý kiến cho rằng việc giao Chính phủ quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất giữa các địa phương, mặt khác theo quy định tại khoản 3, điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ thì Chính phủ hoàn toàn có cơ sở pháp lý để  quy định vấn đề này mà không nhất thiết phải sửa đổi Luật. Một số đại biểu không tán thành việc dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vì cho rằng quy định này không rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế, đề nghị làm rõ thế nào là "số lượng biên chế tối thiểu", "số lượng cấp phó tối đa"... Nếu căn cứ vào "số lượng biên chế tối thiểu" để thành lập tổ chức như dự thảo Luật là chưa cụ thể hóa triệt để và xuyên suốt tinh thần đổi mới trong tư duy quản lý Nhà nước.  Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu một cách toàn diện, cụ thể và sâu sắc hơn vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền với nhau để đảm bảo tính thống nhất với các luật chuyên ngành khác; đề nghị đẩy mạnh phân cấp theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho địa phương, nhất là các địa phương đã tự chủ về ngân sách; đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.

Đại biểu (ĐB) Tạ Tự Bình (Sở Tư pháp) cho rằng hiện nay ở các địa phương có HĐND và UBND, như vậy dự thảo quy định việc T.Ư phân cấp cho CQĐP là phân cấp cho HĐND hay UBND chưa được phân định rõ. ĐB Bình cũng cho rằng quy định về phân cấp trong dự thảo Luật chưa rõ, chưa đầy đủ, không đảm bảo sự tương thích giữa các luật, các văn bản dưới luật. ĐB Nguyễn Thuận (Hội Luật gia) đề nghị cần có quy định khung cứng về tiêu chí cụ thể khi thành lập cơ quan, khi giải thể cơ quan, kể cả số lượng cấp phó; đề nghị quy định rõ hơn về nguyên tắc ủy quyền, quy định cụ thể nhiệm vụ của từng cấp chính quyền. ĐB  Lê Xuân Hòa (Ban Pháp chế HĐND TP) đề nghị giữ nguyên tổ chức bộ máy HĐND các cấp như hiện nay để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND; tán thành việc bổ sung thẩm quyền cho HĐND cấp xã trong việc quyết định kế hoạch phát triển KT-XH và đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên từ 10% đến 20% để HĐND cấp xã hoạt động chất lượng, hiệu quả hơn...

Thay mặt Đoàn ĐBQH TP, Phó trưởng Đoàn Nguyễn Bá Sơn cảm ơn ý kiến góp ý của các ĐB và cho biết Đoàn ĐBQH sẽ tiếp thu, tập hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban soạn thảo để điều chỉnh, bổ sung phù hợp trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

K.T