Để phim lịch sử đến được với khán giả

Thứ hai, 31/08/2015 08:38

(Cadn.com.vn) - Việc Nhà nước đầu tư cho điện ảnh, cụ thể là những bộ phim lịch sử vào mỗi dịp kỷ niệm là điều tất yếu, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà các hãng phim tư nhân chỉ chạy theo những bộ phim thị trường. Thế nhưng, dù là đầu tư cái gì thì cũng phải tính đến tính hiệu quả... Đến hẹn lại lên, Bộ VH-TT&DL đã có quyết định về việc tổ chức đợt phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trên phạm vi toàn quốc.

Trước đây, các nhà làm phim nhà nước vẫn đổ lỗi cho việc thiếu kinh phí khiến phim làm ra không đủ sức hấp dẫn. Điều đó giờ đã không còn đúng khi nhiều bộ phim có kinh phí khủng ra đời. Thế nhưng, những bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng vẫn tiếp tục không đến được với khán giả. Còn nhớ, dư luận từng xôn xao khi bộ phim “Sống cùng lịch sử” được đặt hàng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với kinh phí 21 tỷ đồng nhưng không bán nổi một vé sau hai tuần ra rạp.  Trước đó, có những bộ phim điển hình như Ký ức Điện Biên (13,3 tỷ), Giải phóng Sài Gòn (12,5 tỷ) khi được đưa ra rạp trình chiếu, thì cũng rơi vào tình trạng “khách vắng  teo”. Hay bộ phim truyền hình do Hà Nội đặt hàng nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long “Thái sư Trần Thủ Độ” với trị giá 57 tỷ đồng cũng chịu cảnh “cất kho” 3 năm từ khi hoàn thành sau đó được “bán như biếu không” đài truyền hình.

Sau hơn 3 năm “đắp chiếu”, phim “Thái sư Trần Thủ Độ” mới được lên sóng.

Đầu tư cho điện ảnh, ngoài việc có được những bộ phim mang ý nghĩa tôn vinh lịch sử thì mục đích cao nhất của nó là phải đến được khán giả, nghĩa là phải có người xem, được người xem đón nhận. Đạt được điều đó, việc đầu tư mới có hiệu quả. Vì sao phim không được người xem đón nhận? Việc ế ẩm của những bộ phim đặt hàng không phải vì khán giả ngày nay chỉ quan tâm đến những bộ phim “bom tấn” của nước ngoài, những bộ phim thương mại, hài trong nước và không quan tâm đến những sự kiện, những vấn đề hệ trọng, những câu chuyện lịch sử của dân tộc? Vấn đề là những người kể lại lịch sử ấy đã làm gì để hấp dẫn khán giả, độc giả hôm nay? Và cái chính là những bộ phim, những câu chuyện về lịch sử ấy đã mang lại được những thông tin gì mới, hữu ích, những nhận thức những tình cảm gì mới, xúc động tới khán giả?

Giải thích việc vắng khách, đạo diễn phim “Sống cùng lịch sử” Nguyễn Thanh Vân cho rằng, nguyên nhân là phim được chiếu gói gọn trong hệ thống rạp nhỏ ít tính cạnh tranh (!?). Công tác phát hành phim nhà nước đã được nhắc đến nhiều, nhưng mặc cho các bộ phim được đầu tư kinh phí khủng để sản xuất nhưng lại không có được kinh phí đáng kể đầu tư cho việc phát hành, quảng bá phim. Nhưng ở đây, lại có một cách hỏi khác được đặt ra, là liệu bộ phim có giá trị đích thực hấp dẫn gì không để tuyên truyền, quảng bá đông đảo người xem. Phải chăng, không chú trọng đúng mức tới việc quảng bá là cách làm “lạc hậu” của hầu hết các bộ phim Nhà nước đặt hàng, khiến khán giả không hề biết đến.

Các nhà làm phim có thể lại có một cách lập luận cũ: Phim nghệ thuật thì ở nước nào cũng kén khán giả. Nhưng cũng nên đặt câu hỏi, các nhà làm phim có đứng từ góc độ của khán giả để thấy nhu cầu của công chúng là gì, họ cần gì ở những bộ phim lịch sử, chiến tranh hay chưa? Hay các đạo diễn vẫn đang đứng trên khán giả, làm phim cho xong đơn đặt hàng. Phải chăng quá đề cao cái tôi của người đạo diễn mà chúng ta đã làm ra những bộ phim chiến tranh xa lạ với khán giả? Hãy đặt câu hỏi tại sao, những bộ phim chiến tranh trước đây lại sống động và hấp dẫn khán giả đến như vậy? Thậm chí, cho đến ngày nay, sau vài chục năm, những “Chung một dòng sông”, “Mùa gió chướng”, “Cánh đồng hoang”... vẫn được thế hệ khán giả hôm nay đón xem và yêu thích!

Một lần nữa, không thể đổ lỗi phim nghệ thuật kén khán giả. Hơn nữa, tiền để làm những bộ phim đó, đều là tiền thuế của dân, của chính các khán giả đã thờ ơ với những bộ phim tốn kém. Nếu không có phương án đưa phim Nhà nước đến với khán giả mà vẫn tiếp tục con đường đặt hàng phim rồi lại “cất kho” hoặc để phim “chết yểu” ngoài rạp, sẽ là sự lãng phí vô cũng lớn.

Dạ Minh