Đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021: Học sinh "dễ thở" với Toán - Ngữ văn

Thứ bảy, 03/04/2021 15:44

Toán và Ngữ văn là hai môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đồng thời là môn học được đa số thí sinh lựa chọn để sử dụng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng. Vì vậy, đề thi tham khảo hai môn này nhận được sự quan tâm đặc biệt của tất cả các thí sinh dự thi.

Các thí sinh trao đổi sau khi kết thúc giờ làm bài thi môn Ngữ Văn kỳ thi năm 2020 tại Đà Nẵng. Ảnh: P.T

Đề Ngữ văn - kiểm tra kiến thức văn học và mang tính thời sự

Nhận xét về đề thi Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Dịu, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, nhận xét: Về nội dung, đề tham khảo không chỉ kiểm tra kiến thức văn học mà còn đề cập các vấn đề thời sự.

Ngữ liệu trong phần Đọc hiểu là một đoạn trích trong bài thơ "Miền Trung" của tác giả Hoàng Trần Cương. Hệ thống câu hỏi ở phần Đọc hiểu dẫn dắt học sinh tìm hiểu về mảnh đất và con người miền Trung- vùng đất vừa trải qua thiên tai bão lũ. Chủ đề của đoạn văn nghị luận xã hội là sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Đây là vấn đề giàu ý nghĩa, có tính giáo dục cao. Bằng chính trải nghiệm cuộc sống, đặc biệt là những hiểu biết, trải nghiệm về tình người trong hoàn cảnh dịch bệnh, thiên tai, học sinh có thể bàn luận sâu sắc về vấn đề này.

Câu 2 của phần Làm văn chiếm tỉ lệ điểm cao nhất trong bài thi (5,0 điểm) yêu cầu phân tích hình tượng sông Hương trong một đoạn trích của tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" và nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là tác giả, tác phẩm học sinh đã được học trong chương trình Ngữ văn lớp 12, tập một. Như vậy, phạm vi kiến thức của đề thi bám sát kiến thức lớp 12, không đánh đố học sinh. Tính phân hóa của đề thi tham khảo thể hiện rõ ở yêu cầu nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Như vậy, trong một cấu trúc quen thuộc, đề thi tham khảo năm nay vẫn tạo được nét tươi mới, mang hơi thở cuộc sống. Dựa vào đề thi này, học sinh sẽ biết định hướng ôn tập, tự tin chuẩn bị tâm thế, kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp 2021.

Cấu trúc đề gồm 2 phần. Phần I - Đọc hiểu (3 điểm), cung cấp một văn bản đọc hiểu là một đoạn thơ với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết (câu 1 và câu 2) đến thông hiểu (câu 3) rồi đến vận dụng (câu 4). Dù ở các mức độ của tư duy nhưng các câu hỏi đều không khó, học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,25 điểm. Phần II - Làm văn (7 điểm), gồm 2 câu: câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội- giới hạn dung lượng khoảng 200 chữ, câu 2 (5 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học - không giới hạn dung lượng.      

Đề Toán – câu hỏi dễ chiếm tỷ trọng lớn

Với đề thi tham khảo môn Toán, thầy giáo Lê Xuân Sơn, Trường THPT chuyên (Đại học Vinh), nhận xét: Cảm nhận ban đầu là đề khá "mềm", số câu hỏi dễ và vừa chiếm tỉ trọng lớn, mặc dù có một số câu hỏi phân loại cao.

Nội dung đề thi bám sát theo chuẩn kiến thức kỹ năng môn Toán THPT. Số câu hỏi ở 2 mức độ nhận biết và thông hiểu khoảng 76%, tương đương so với các năm 2019, 2020, đều tập trung vào kiến thức rất cơ bản, quen thuộc. Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể chọn ngay được đáp án đúng. Học sinh khá có thể đạt ngay 7 điểm ở phần này của bài thi. Các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao không đánh đố, không phức tạp trong tính toán, có thể phân loại được học sinh khá giỏi, trong đó, hầu hết các câu hỏi quen thuộc và có 1-2 câu đòi hỏi tư duy sâu sắc.

Đề thi cũng được sắp xếp theo mạch kiến thức của lớp 11 và 12. Các câu hỏi thuộc lớp 11 chỉ ở mức độ 1 và mức độ 2. Bố cục như thế tạo điều kiện để các thầy cô giáo và học sinh dễ dàng hình dung được các nội dung kiến thức cần thiết, trọng tâm trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Thầy giáo Đỗ Xuân Thắng đánh giá, với tình hình dịch bệnh không có biến động mới, đề thi như vậy là hoàn toàn hợp lý về nội dung so với chương trình học tập hiện nay của đa số các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, khi ra đề thi chính thức, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc phân loại thêm từ phân khúc điểm 7 đến điểm 8 để tránh phổ điểm dồn ở mức 7 - 8 - 9,  giúp các thí sinh và các trường phân loại đầu vào khi xét tuyển đại học dễ dàng hơn.

Để đạt điểm cao môn này, thí sinh vừa phải có tư duy tốt, đồng thời giỏi về khả năng tính toán và thực sự tinh ý trong quá trình làm bài, vận dụng các kỹ năng sử dụng máy tính cá nhân để rút ngắn nhất thời gian làm bài.

T.H