Đề xuất dành 30% tiền đấu giá biển số xe cho CSGT mua sắm thiết bị

Thứ sáu, 13/12/2019 15:33

Văn phòng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công an và thống nhất sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đấu giá biển số xe giúp tăng ngân sách và có kinh phí tăng cường đầu tư trang thiết bị cho CSGT.

Theo ông Mai Tiến Dũng, việc đấu giá biển số xe sẽ giúp tăng ngân sách.

Sáng 13/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp của Tổ công tác Thủ tướng làm việc với 9 bộ để đôn đốc tình hình triển khai nhiệm vụ Thủ tướng giao trong năm 2019, đăng ký kế hoạch công tác năm 2020.

Theo ông Dũng, trong chương trình công tác năm 2019, tổng số có 511 đề án, đến nay các Bộ, ngành đã trình 390 đề án, trong đó đã ban hành 197 đề án. Như vậy, trong số đề án trình và ban hành mới đạt 50,5 %, chưa trình 121 đề án, trong đó có 41 đề án quá hạn. Còn 80 đề án khác sắp hết hạn vào thời điểm 31/12.

Đấu giá biển số xe giúp tăng ngân sách

 Đề cập đến Đề án đấu giá biển số xe, ông Dũng nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng. VPCP cũng đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công an và thống nhất sẽ đẩy nhanh tiến độ việc này, đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ông kỳ vọng việc này sẽ giúp tăng ngân sách cũng như tăng cường đầu tư cho CSGT.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, nếu thực hiện tốt ít nhất nên dành ra 30-50% cho chính lực lượng cảnh sát giao thông để mua sắm thêm trang thiết bị kiểm soát an toàn giao thông, số tiền còn lại thì để vào quỹ người nghèo.

Về đề án mở rộng cấp biển đăng ký ôtô, xe máy, ông Tuấn cho hay hiện ôtô cấp mới mỗi năm 360.000-400.000 phương tiện, trong đó cấp đổi khoảng 60.000 xe; xe máy một năm cấp mới 2 triệu xe, cấp đổi hơn 200.000 xe. “Hiện nay các địa phương làm thủ công nhiều, luân chuyển chứng từ giữa cơ quan thuế, kho bạc, công an. Chúng tôi nhất trí làm sao thực hiện trực tuyến công mức độ 4, ít nhất năm 2020 ở các đô thị”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh việc này rất quan trọng với người dân.

Với việc khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia ít ngày trước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận Bộ Công an, Cục CSGT đã tham gia tích cực và có những hỗ trợ lớn trong việc đổi GPLX hay cấp GPLX quốc tế. Ông nhắc đến mục tiêu hướng đến đổi GPLX cấp độ 4, có kết nối với y tế để xác nhận giấy khám sức khoẻ, sau đó tính đến đấu giá biển số ôtô, xe máy hay đăng ký thu phí, lệ phí ôtô, xe máy.

Đừng đổ tội cho văn thư, đánh máy

Về đề án về cơ chế tổ chức của Đài truyền hình Việt Nam, ông Dũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết có vướng mắc gì mà phải chậm, lùi lại, chưa trình lên Chính phủ.“Tôi biết đề xuất về vấn đề này đã được nêu ra lâu rồi, đơn vị thực hiện tự chủ tài chính thì muốn có cơ chế mở để được tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Vậy có vấn đề gì Bộ vẫn muốn giữ nên văn bản trình mới chậm vậy? Một văn bản trình mà lại không có thời hạn? Sai thì nhận lỗi đi chứ, đừng đổ tội cho văn thư, đánh máy”, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chất vấn cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Giải thích về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải khẳng định, nội dung văn bản điều chỉnh lần này với Đài Truyền hình Việt Nam chỉ là về cơ chế, tổ chức của đơn vị, Bộ Thông tin – Truyền thông không có ý kiến về nội dung, chỉ là vấn đề quy trình, thủ tục làm chậm tiến độ.

Cụ thể, Thứ trưởng Hải phân trần, theo quy định, thông tin thay đổi phải được đăng tải công khai trên website của Bộ 60 ngày mới đủ điều kiện lấy ý kiến Bộ Tư pháp, sau đó Bộ Thông tin – Truyền thông mới hoàn thiện để trình lên Chính phủ. Hiện Bộ này vẫn đang… chờ cho hết thời hạn 60 ngày.

Theo Tiền Phong